Khởi kiện mở thủ tục phá sản doanh nghiệp: Chiêu đòi nợ “hiểm” - Bài 3: Cách nào để đòi nợ đúng luật?

0:00 / 0:00
0:00
Với khoản nợ khó đòi, dùng cách thông thường sẽ không mấy hiệu quả, trong khi dịch vụ đòi nợ thuê cũng đã bị cấm.
Khu công nghiệp do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư.

Bài 3: Cách nào để đòi nợ đúng luật?

Gần đây, nhiều doanh nghiệp chọn khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản để đòi nợ bởi cách này đúng luật, mà lại ít tốn kém và đang cho thấy hiệu quả.

“Công ty Anh Đào sẽ kiện Công ty Hoàng Hoàng Long”

Đó là khẳng định của ông Đặng Vỹ, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nội thất Anh Đào (gọi tắt là Công ty Anh Đào, có trụ sở tại TP.HCM) sau khi thông tin Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị kiện mở thủ tục phá sản bùng lên.

Ông Vỹ cho biết, vướng mắc của doanh nghiệp là việc thi công tháo dỡ tại Dự án Cải tạo xây dựng Bệnh viện An Bình (phường 7, quận 5, TP.HCM). Đây là bệnh viện công và Dự án Cải tạo xây dựng Bệnh viện được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ không hoàn lại gần 500 tỷ đồng.

Tháng 6/2021, Công ty cổ phần Xây dựng - Kỹ thuật công nghệ Hoàng Hoàng Long (gọi tắt là Công ty Hoàng Hoàng Long, có trụ sở tại TP.HCM) và Công ty Anh Đào ký Hợp đồng dịch vụ tháo dỡ tại Dự án Cải tạo xây dựng Bệnh viện An Bình.

Theo đó, Công ty Anh Đào (bên B) nhận thi công tháo dỡ Bệnh viện An Bình cho Công ty Hoàng Hoàng Long (bên A) với giá 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì bên A phải trả tiền công tháo dỡ cho bên B như những hợp đồng thông thường, thì trái lại, theo hợp đồng này, bên tháo dỡ là Công ty Anh Đào phải thanh toán ngược lại 1,4 tỷ đồng cho Công ty Hoàng Hoàng Long.

“Công ty Anh Đào nhận thi công, nhưng phải thanh toán tiền cho bên giao, bởi thực chất là Công ty Hoàng Hoàng Long bán lại cho Công ty Anh Đào với giá tiền trên. Đổi lại, Công ty Anh Đào sẽ được bán toàn bộ số phế liệu (cốt thép đập từ bê tông) để thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận”, ông Đặng Vỹ giải thích.

Sau khi ký Hợp đồng, Công ty Anh Đào phải thanh toán cho Công ty Hoàng Hoàng Long 20% giá trị hợp đồng (280 triệu đồng). Bên cạnh đó, Công ty Anh Đào còn tốn thêm chi phí môi giới là 100 triệu đồng.

Thế nhưng, khi doanh nghiệp này tiến hành vận chuyển xà bần, sắt thép, đất ra khỏi công trình, thì phía Bệnh viện An Bình không cho chở phế liệu ra.

Vì vướng mắc trên, Công ty Anh Đào tạm dừng công việc và đề nghị Công ty Hoàng Hoàng Long đánh giá khối lượng bên B đã thi công. Trên cơ sở này, Công ty Anh Đào đề nghị bên A thanh toán số tiền thi công là 450 triệu đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay đã 2 năm, Công ty Hoàng Hoàng Long không chấp nhận hoàn trả các khoản tiền trên.

“Chúng tôi bỏ công tháo dỡ, nhưng không được hoàn trả tiền công. Chúng tôi chịu quá nhiều thua thiệt! Chúng tôi có chứng cứ như các trao đổi, email... thể hiện công nợ”, ông Đặng Vỹ nói.

Phó giám đốc Công ty Anh Đào cho biết thêm, Công ty Anh Đào sẽ gửi văn bản tới Công ty Hoàng Hoàng Long một lần nữa để yêu cầu thanh toán tiền kèm theo cảnh báo: “nếu không trả nợ đúng hạn, sẽ kiện và yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản, trước khi chính thức tiến hành.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Hoàng Hoàng Long và đề nghị làm rõ thông tin. Lãnh đạo Công ty Hoàng Hoàng Long nhắn tin lại với nội dung: những phản ánh của Công ty Anh Đào không đúng bản chất hợp đồng và sự vụ giữa hai bên. Công ty Hoàng Hoàng Long sẵn sàng dùng pháp luật để giải quyết và chấp hành mọi phán quyết của tòa án.

Khởi kiện mở thủ tục phá sản là giải pháp đòi nợ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một luật sư tại TP.HCM cho biết, sau khi Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực (ngày 1/1/2015), rất ít tổ chức, cá nhân tiến hành khởi kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đang có công nợ, mà thường chủ động đòi nợ hoặc thuê công ty thu hồi nợ.

Tuy nhiên, từ khi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức bị cấm (từ ngày 1/1/2021, theo quy định của Luật Đầu tư), số lượng doanh nghiệp bị cá nhân, tổ chức kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản tăng dần lên, nhất là những công ty lớn, công ty đại chúng.

Điển hình, ở TP.HCM, tháng 4/2022, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, mã chứng khoán SSN) bị Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Fortuna (Công ty Fortuna), vì Tòa cho rằng, Seaprodex Sài Gòn mất khả năng thanh toán.

Trước đó, theo bản án sơ thẩm từ giữa năm 2021 của TAND quận 1 (TP.HCM) về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, TAND quận 1 đã chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Fortuna, yêu cầu Seaprodex Sài Gòn phải trả cho Công ty Fortuna tổng cộng hơn 100 tỷ đồng. Căn cứ phán quyết này, Công ty Fortuna đã nộp đơn kiện đề nghị TAND TP.HCM mở thủ tục phá sản đối với Seaprodex Sài Gòn.

Sự vụ đình đám chưa có hồi kết khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Tập đoàn Tân Tạo, mã chứng khoán ITA) bị TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản ngày 25/1/2018 theo yêu cầu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh). Công ty Quốc Linh kiện nhằm buộc Tập đoàn Tân Tạo phải thanh toán số tiền hơn 27 tỷ đồng.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2022 và 2023, Công ty Xuất khẩu thủy sản MK (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) liên tiếp bị 1 cá nhân và Công ty Xuất nhập khẩu Biển Bạc (TP.HCM) kiện ra TAND huyện Thới Bình yêu cầu mở thủ tục phá sản và đã được Tòa thụ lý. Lý do khởi kiện là, Công ty Xuất khẩu thuỷ sản MK mua tôm nguyên liệu, mua phụ gia chế biến tôm, nhưng không trả tiền đúng hạn.

Còn tại Đồng Nai, theo báo cáo của TAND tỉnh này, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm, tòa án 2 cấp của tỉnh thụ lý, giải quyết khoảng 10 vụ yêu cầu tuyên bố phá sản.

Được “trợ lực” từ nhiều cơ quan

Theo tiết lộ của nhiều doanh nghiệp (xin không nêu tên), trước đây, họ thường tính toán đòi nợ theo 3 phương án.

Một là, phát văn bản đòi nợ thông thường, nhưng cách này hiệu quả thấp, nếu đối tác cố tình chây ì.

Hai là, khởi kiện dân sự rồi chờ được thi hành án, nhưng rất lâu, có khi cả năm trời chưa được giải quyết.

Ba là, thuê công ty đòi nợ và phải chia hoa hồng rất cao cho các công ty đòi nợ thuê, thường từ 15% đến 45% số tiền thu hồi được. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, rất ít doanh nghiệp chọn cách này, bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm. Hơn nữa, có nhiều đơn vị đòi nợ thuê “núp bóng” văn phòng luật sư, hoặc đòi nợ kiểu “khủng bố”, mà nếu các đơn vị này bị khởi tố, cũng sẽ liên lụy tới doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo phân tích của một luật sư, với các vụ kiện mở thủ tục phá sản gần đây, sau khi tòa án ra phán quyết mở thủ tục phá sản, có rất nhiều cơ quan cùng vào cuộc, tạo áp lực đối với doanh nghiệp đang vay nợ và thuận lợi cho chủ nợ trong việc thu hồi công nợ.

Điển hình là vụ việc của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Trả lời báo chí về quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đại diện TAND tỉnh Gia Lai cho biết, khi thụ lý đơn, Tòa đã tạo điều kiện cho 2 bên thỏa thuận với nhau trong gần 1 tháng, nhưng không thống nhất được, nên đã thực hiện tuyên bố phá sản theo quy định.

Một ví dụ khác là vụ việc của Seaprodex Saigon. Sau khi bị TAND TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản, cuối tháng 7/2022, phía Seaprodex Saigon đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các cổ đông và nhà đầu tư, khẳng định không có hợp đồng mua bán nào với Công ty Fortuna; Hợp đồng kinh tế ký ngày 16/6/2011 giữa Seaprodex Saigon với Công ty Fortuna để mua bán 1.008 tấn cà phê dẫn tới nợ như Tòa phán quyết là dàn dựng làm giả.

Seaprodex Sài Gòn còn gửi đơn tới Tòa yêu cầu hủy bỏ hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ thi hành quyết định này.

Tuy nhiên, vào ngày 24/11/2022, TAND cấp cao tại TP.HCM ra quyết định giám đốc thẩm kết luận giữ nguyên quyết định mở thủ tục phá sản với Seaprodex Sài Gòn.

Chưa hết, tới tháng 2/2023, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đưa 39,6 triệu cổ phiếu SSN của Seaprodex Sài Gòn vào diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 20/2/2023, vì doanh nghiệp này nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án theo quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Tương tự, sau khi TAND TP.HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Tân Tạo, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ ngày 6/9/2022, bởi doanh nghiệp này không thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Ngày 26/9/2023, dù cổ phiếu ITA đã được HoSE đưa ra khỏi diện cảnh báo, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi, do Tập đoàn Tân Tạo đã vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm.

Dù vậy, bất cứ điều gì cũng đều có mặt trái.

Vụ kiện mở thủ tục phá sản Tập đoàn Tân Tạo vẫn chưa có hồi kết

Ngày 25/1/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Tân Tạo.

Đầu năm 2023, Tập đoàn Tân Tạo gửi văn bản tới HoSE cho rằng, quyết định mở thủ tục phá sản chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Quốc Linh là bất hợp lý. Vì yêu cầu này dựa trên các bản án của TAND tỉnh Long An, nhưng hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu giả mạo; Tập đoàn Tân Tạo hoàn toàn không có quan hệ kinh tế, không tranh chấp với Công ty Quốc Linh.

Tới tháng 8/2023, Tập đoàn Tân Tạo có Văn bản số 162/TB-ITACO 23 gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE công bố thông tin, bà Đặng Thị Hoàng Yến với tư cách cá nhân đã khởi kiện vụ việc Công ty Quốc Linh và cá nhân liên quan lên Tòa án Liên bang Mỹ đòi bồi thường 300 triệu USD.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục