Đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp sẽ trình Chính phủ trong tháng 2/2025 có gì mới?

0:00 / 0:00
0:00
Lần sửa đổi này, Luật Doanh nghiệp sẽ bổ sung nội dung liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi.
Để thực hiện chính sách thực hiện cam kết quốc tế về chống rửa tiền, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bổ sung thêm khái niệm và hàng loạt quy định mới. Để thực hiện chính sách thực hiện cam kết quốc tế về chống rửa tiền, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bổ sung thêm khái niệm và hàng loạt quy định mới.

Nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi

Trong Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến 5 nhóm chính sách cần được giải quyết.

Một là, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Hai là, hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi, an toàn, minh bạch. Ba là, hoàn thiện quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp. Bốn là thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Năm là, hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động của thương nhân thể nhân (cá nhân kinh doanh).

Trong đó, để thực hiện chính sách thực hiện cam kết quốc tế về chống rửa tiền, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ bổ sung thêm khái niệm và hàng loạt quy định mới.

Cụ thể, Điều 4 của Luật Doanh nghiệp tới đây sẽ bổ sung khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Trong phương án Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 2 này, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là các cá nhân có một trong 3 tiêu chí. Hoặc là cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp; Hoặc là cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp; Hoặc là cá nhân cuối cùng có quyền chi phối hoạt động doanh nghiệp.

Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” là cá nhân có quyền chi phối hoặc kiểm soát doanh nghiệp trên thực tế thông qua việc trực tiếp sở hữu vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc gián tiếp thông qua người khác.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi một số điều để quy định rõ hơn về quyền chi phối theo hướng: Quyền chi phối doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp và người có liên quan đối với vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi cũng được đề nghị sửa đổi, theo hướng doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin về Chủ sở hữu hưởng lợi…

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thông tin về Chủ sở hữu hưởng lợi và các báo cáo và có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin về Chủ sở hữu hưởng lợi tại thời điểm đăng ký thành lập…

Luật Doanh nghiệp cũng sẽ được sửa đổi để quy định về việc khai thác thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, trong đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ công tác về phòng, chống tội phạm.

Tại sao phải bổ sung nội dung về chủ sở hữu hưởng lợi

Các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp đều đặt ra yêu cầu minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi còn là những biện pháp quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Phải nói rõ, các sửa đổi, bổ sung trên nhằm thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Với tư cách thành viên của APG, từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo phương pháp luận đánh giá dựa trên 40 Khuyến nghị của FATF.

Theo kết quả tại Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT), Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF trong thời hạn 1 năm (từ tháng 3/2022 - 3/2023) và phải khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hạn này, nước ta vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khung khổ pháp lý.

Do đó, ngày 30/6/2023, FATF đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định với các mốc thời hạn cụ thể trong vòng hai năm (đến tháng 5/2025).

Một trong các hành động được FATF đề cập là “Xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân (và thỏa thuận pháp lý nếu phù hợp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”.

Hậu quả khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo nghiên cứu của IMF, quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước). Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu USD tùy thuộc quy mô nền kinh tế.

Thời gian gần đây, FATF và APG cũng đã đưa ra cảnh báo nếu nước ta không có các biện pháp để cải thiện trong việc thực hiện cam kết thì FATF sẽ tiếp tục đưa Việt Nam vào “Danh sách Đen”. Khi đó, nước ta có thể sẽ chịu nhiều tác động nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp, ví dụ như: các tổ chức tài chính của Việt Nam sẽ bị cấm thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài; các chi nhánh, công ty con của tổ chức tài chính Việt Nam tại nước ngoài sẽ chịu sự tăng cường kiểm tra, giám sát; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta có thể sẽ giảm sút...

Tại Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố thí điểm trong tháng 10/2024, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam có thứ hạng 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do nước ta chưa có quy định về việc thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, do vậy, các tiêu chí liên quan đến nội dung này không được đánh giá.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục