Chính phủ chỉ đạo sửa nhiều luật để thực hiện Nghị quyết 68/NQ-TW

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Nghị quyết 138/NQ-CP vừa ban hành về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ chỉ đạo sửa hàng loạt luật về đất đai, đầu tư, doanh nghiệp, hình sự... theo hướng tăng hỗ trợ, giảm thủ tục, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ.
Chính phủ chỉ đạo sửa nhiều luật để thực hiện Nghị quyết 68/NQ-TW

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/NQ-TW, Chính phủ chỉ đạo, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân

Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng và tổ chức triển khai chương trình tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về nội dung Nghị quyết số 68; triển khai Kế hoạch hành động của Chính phủ với các mục tiêu được lượng hóa cụ thể...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về kinh tế tư nhân khách quan, trung thực, đầy đủ; cổ vũ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội; xử lý nghiêm và công khai các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân.

Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của kinh tế tư nhân.

Theo đó, các bộ, ngành xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi nhằm chuyển toàn bộ các điều kiện kinh doanh, giấy phép, chứng nhận sang thực hiện công bố và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Rà soát các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi theo hướng: đơn giản hóa tối đa hồ sơ, quy trình, thủ tục hỗ trợ; tăng định mức và tỷ lệ hỗ trợ tiệm cận với thực tế thị trường...

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các bộ, ngành, địa phương hằng năm và 05 năm; chủ động bố trí, lồng ghép kinh phí hoặc tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để triển khai hỗ trợ kinh tế tư nhân.

Rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Công bố công khai kế hoạch kiểm tra trên Cổng thông tin để cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết, phối hợp thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trực tuyến, từ xa; ưu tiên kiểm tra dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm tối đa kiểm tra trực tiếp. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an rà soát, sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, phối hợp chặt chẽ với hệ thống tòa án, viện kiểm sát các cấp, chỉ đạo, quán triệt trong quá trình điều tra, xử lý các sai phạm đảm bảo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm theo quy định tại điểm 2.3 khoản 2 Mục II Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao

Nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát biến động giá đất, dành quỹ đất đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê; ưu đãi chính sách hỗ trợ tiền thuê đất cho các đối tượng trên...

Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, bổ sung cơ chế, chính sách giao các địa phương dành tối thiểu 20 ha/khu công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.

Rà soát, sửa đổi Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác để bổ sung cơ chế miễn, giảm chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.

Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, thống nhất với Bộ Tài chính phương án xử lý đối với nhà, đất là tài sản công thuộc quyền quản lý chưa sử dụng hoặc không sử dụng để bàn giao lại các địa phương cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, sửa đổi Thông tư số 26/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho thuê tài chính theo hướng mở rộng danh mục tài sản cho thuê như phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ, dữ liệu; chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng; Khuyến khích các tổ chức tín dụng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn...

Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bổ sung quy định: doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển; doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển theo cơ chế khoán sản phẩm; doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp...

Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, bổ sung quy định: miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung quy định: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư, Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2021 quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt và các văn bản hướng dẫn thi hành để bổ sung chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, cam kết chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách thúc đẩy nội địa hóa thông qua việc phát triển các liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa...

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ của các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực để kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, nền tảng...

Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu

Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung quy định đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh...), những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách.

Rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản hướng dẫn thi hành để đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân thông qua các mô hình hợp tác công tư (PPP), lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công, trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hoá - xã hội, công nghệ thông tin, truyền thông.

Xây dựng, triển khai Chương trình phát triển 1000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục