
Đột phá từ một chữ “nhất”
Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được giới doanh nhân gọi vui là “Nghị quyết Lộc phát”. Bởi lẽ, gần 8 năm sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 được ban hành, quan điểm chỉ đạo “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế” đã được nâng tầm thành “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.
Bình luận về điều này, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu chuyên trách tại Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Giai đoạn 1986-1990, Việt Nam thay đổi quan điểm từ chỗ coi kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo sang thừa nhận và cho phép khu vực kinh tế này được hoạt động trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 đánh dấu sự đột phá về thể chế khi tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của kinh tế tư nhân.
“Nghị quyết 68-NQ/TW lần này chính là bước ngoặt thứ ba mang tính lịch sử trong phát triển kinh tế tư nhân”, ông Phan Đức Hiếu nói và bày tỏ kỳ vọng, khu vực kinh tế tư nhân sẽ sớm trở thành một động lực quan trọng nhất đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo ông Hiếu, Nghị quyết 68-NQ/TW thể hiện ba tư tưởng rất lớn là giảm sự phiền hà, tăng cường mức độ bảo vệ và khơi thông mọi nguồn lực đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, tăng cường mức độ bảo vệ là quan điểm rất mới.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhận định, Nghị quyết 68-NQ/TW chứa đựng sáu thông điệp quan trọng.
Thứ nhất, khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế (là một động lực quan trọng nhất).
Thứ hai, triệt để xoá bỏ nhận thức không đúng trước đây về vai trò của khu vực kinh tế này, bởi vì nếu Nghị quyết cởi mở nhưng nhận thức của các cấp, các ngành không nhất quán thì sẽ có tắc trách ở khâu thực thi.
Thứ ba, nêu ra mục tiêu cụ thể, chi tiết để phát triển kinh tế tư nhân, với tầm nhìn xa đến năm 2045, Việt Nam phải có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, tạo ra sự thúc ép mạnh mẽ trong cải cách thể chế để đạt được các mục tiêu trên.
Thứ năm, tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trong việc tiếp cận đất đai, vốn, nguồn nhân lực, công nghệ… nhằm khắc phục điểm nghẽn khó tiếp cận nguồn lực của khu vực này.
Thứ sáu, đưa ra nhiều quan điểm định hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Tựu trung, Nghị quyết 68-NQ/TW đã ‘trả lại’ quyền cơ bản nhất của doanh nghiệp tư nhân là quyền được làm giàu chính đáng”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu quan điểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhận xét, khu vực kinh tế tư nhân giống như chiếc lò xo đã bị nén lại trong thời gian dài và Nghị quyết 68-NQ/TW như một cú huých giúp chiếc lò xo này được bung ra.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 68-NQ/TW đã chuyển từ tư duy coi doanh nghiệp là đối tượng để quản lý sang xác định doanh nghiệp tư nhân là đối tác cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, một trong những điểm rất mới và nổi bật là Nghị quyết khẳng định, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam chia sẻ, bà vui mừng khi đón nhận Nghị quyết 68-NQ/TW, xem đây là một tín hiệu rất tích cực để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, cũng chính là phát triển kinh tế Việt Nam nói chung.
“Chúng ta đang trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, có thể có những biến động lớn, nhưng tôi tin rằng, các quyết sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, tạo ra cơ hội mới cho doanh nhân tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói”, bà Nga nhấn mạnh.
Quan trọng nhất vẫn là khâu thực thi
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 6/5/2025 - dựa trên kết quả “chấm điểm” chính quyền của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân - cho biết, bên cạnh những chuyển biến tích cực, hiện vẫn còn tồn tại “khoảng trống” trong chất lượng điều hành cấp tỉnh.
Chỉ có 33% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, giảm mạnh so với mức 55% của năm 2021, 48% năm 2022 và 41% năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đất đai trong hai năm qua mà không gặp vướng mắc cũng giảm còn 51%.
Trong khi đó, 37% doanh nghiệp được khảo sát cho hay, có chi phí không chính thức trong năm 2024, tăng so với tỷ lệ 33% doanh nghiệp phải chịu chi phí này năm 2023.
Chất lượng điều hành chính sách cũng là băn khoăn của ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Ông Nghĩa đánh giá cao chủ trương “không hình sự hoá quan hệ kinh tế” trong Nghị quyết 68-NQ/TW, vì suốt thời gian qua, “hình sự hoá” là e ngại lớn đối với các doanh nghiệp, khiến họ dè dặt trong đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, chủ trương này sẽ được cụ thể hoá như thế nào trong hệ thống luật pháp để làm rõ tinh thần của Nghị quyết?
Ông Lê Hữu Nghĩa đề nghị, các luật và văn bản dưới luật thể chế hoá chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu để áp dụng được đồng bộ, hạn chế phải ban hành thêm thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, tránh để mỗi cán bộ hiểu một cách khác nhau dẫn đến méo mó chính sách khi thực thi.
Để nhanh chóng thể chế hoá chủ trương “không hình sự hoá quan hệ kinh tế”, ông Nghĩa đề xuất, Quốc hội gấp rút sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, sau đó sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại và một số luật liên quan khác.
“Khi sửa những luật này cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp”, ông Nghĩa lưu ý.
Trong khi đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn khuyến nghị, nên nghĩ đến việc ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân. Ngoài ra, để Nghị quyết 68-NQ/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, Chính phủ và các bộ, ngành cần gấp rút rà soát và xử lý các quy định còn chồng chéo; các địa phương phải ban hành ngay chương trình hành động theo tinh thần thống nhất với Nghị quyết, nhưng gắn với địa phương (chứ không phải thay bằng nghị quyết mới của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh); các doanh nghiệp cần quyết liệt tái cấu trúc, chuyển đổi, nâng cấp để phù hợp với chính sách mới.
Bên lề Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV đang diễn ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần sớm thể chế hoá Nghị quyết 68-NQ/TW, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất, với nhiều ưu đãi nhất.
“Việt Nam cần có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thể sánh vai, cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Vì thế, chúng ta phải có cơ chế giúp doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang trình Quốc hội lần này”, ông Ngân nói.
Chiều 7/5/2025, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68-NQ/TW để các chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết nói trên, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội; khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong tháng 5/2025 để trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến kéo dài đến 30/6/2025).