Đại biểu tán thành hậu kiểm về kiểm soát gian lận vốn ảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng nay (20/5), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tán thành hậu kiểm về kiểm soát gian lận vốn ảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, song kiến nghị có tiêu chí hậu kiểm cụ thể.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Về kiểm soát gian lận vốn ảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đại biểu tán thành cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay hồ sơ trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức không “tiền kiểm” đối với vấn đề này.

Thực tiễn quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh là việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân. Thay vào đó, cơ quan nhà nước tăng cường hậu kiểm những trường hợp có nghi ngờ về việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để tránh kiểm tra tùy tiện, nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, đại biểu đề nghị bổ sung thêm về cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro.

“Cơ quan nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro và đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp. Biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này đã được áp dụng trong ngành thuế và hải quan, những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích, rất hiệu quả. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo rủi ro”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi để phù hợp với các cam kết về phòng chống rửa tiền. Theo các đại biểu, điều này là rất cần thiết để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).

Theo dự thảo, tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi doanh nghiệp sẽ được Chính phủ quy định. Tuy vậy, các đại biểu lưu ý, đây là vấn đề khó nên tiêu chí cần rõ ràng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng lấy ví dụ Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 cũng đưa vào khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi và cũng giao Chính phủ quy định chi tiết. Chính phủ cũng đã có Nghị định 19/2023/NĐ-CP về vấn đề này, áp dụng cho các giao dịch của phía tổ chức tín dụng.

“Khi tôi tham vấn các tổ chức tín dụng thì họ cho biết là các tiêu chí còn rất chung chung và khó tuân thủ. Hiện nay, các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng chứ cũng không có biện pháp nào để xác minh. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho ngân hàng mà đã khó tuân thủ như vậy, nếu giờ chúng ta quy định về việc này khi doanh nghiệp cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước sẽ còn khó khăn hơn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến.

Ngoài ra, nếu tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi không rõ ràng, doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ phải đối mặt với nguy cơ xử phạt.

Theo đó, đại biểu đề nghị trước mắt với những trường hợp đã xác định rõ ràng (như quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên) thì yêu cầu nhất định phải khai báo, nếu không khai báo thì sẽ bị xử phạt.

Còn các trường hợp mà tiêu chí là định tính (như cá nhân có quyền chi phối) thì cũng có quy định yêu cầu khai báo, nhưng trước mắt không xử phạt khi doanh nghiệp khai báo không đầy đủ. Sau này, khi cơ quan nhà nước có quy định hoàn thiện hơn về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi thì mới đưa ra quy định xử phạt khi khai báo chưa đầy đủ.

Riêng về quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng, dự thảo bổ sung điều kiện: mức tỷ lệ nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng nội dung này không nên đưa vào Luật mà để Chính phủ quy định chi tiết. Trong Luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quyết định “cứng” trong luật.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tuy vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng cần nghiên cứu để thống nhất với quy định tại Điều 49 Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng trình trong Kỳ họp này (quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập).

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết thêm, Luật Nhà giáo cũng có quy định cho phép nhà giáo được thành lập và tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp tại cơ sở giáo dục.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, tham gia thành lập để thương mại hoá các kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Trường hợp viên chức là người lao động phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Trường hợp viên chức, quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập phải được sự đồng ý của cấp trên trực tiếp.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục