Hiện khu vực này đang tập trung thúc đẩy thị trường đối với các tài sản được chứng khoán hóa, mà hậu thuận bởi các khoản vay.
Với lạm phát đang ở mức 0,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 2% của ECB, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này tuần trước đã thống nhất các công cụ đặc biệt để ngăn chặn tình trạng lạm phát yếu kéo dài quá lâu.
Áp lực đối với việc thúc đẩy nền kinh tế khu vực cũng đang ngày càng gia tăng, cả trong và ngoài khu vực đồng euro, nhiều quan điểm cho rằng, các biện pháp nên bao gồm việc nới lỏng định lượng hoặc mua tài sản.
Tuy nhiên, việc mua tài sản nợ quốc gia - biện pháp mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang làm, đã vấp phải sự phản đối từ các nhà làm chính sách phe cứng rắn, dẫn đầu bởi Giám đốc Ngân hàng Bundesbank Jens Weidmann.
“Chính quyền châu Âu đang chuẩn bị tham gia vào việc mua tài sản nếu điều đó là cần thiết, nhưng trong bối cảnh khu vực đồng euro hiện nay, việc mua tài sản tư nhân, bao gồm các khoản vay của ngân hàng, sẽ khả thi và hiệu quả hơn là mua tài sản nợ quốc gia”, Huw Pill, Kinh tế trưởng của Goldman Sachs nói.
“Kết quả là, thị trường đối với các khoản vay được chứng khoán hóa sẽ được tái kích hoạt, mở rộng hơn và làm sâu thêm”, ông nói thêm và cho rằng, cần có sự thay đổi về mặt quy tắc ở cấp độ EU trong cách xử lý các tài sản.
Một thị trường năng động và thích hợp hơn đối với chứng khoán có tài sản đảm bảo (ABS) sẽ giúp các ngân hàng có thể giảm tải trên bảng cân đối tài sản và cho phép họ cho vay nhiều hơn. Nhưng để đạt được mục tiêu ấy sẽ còn mất rất nhiều thời gian .
Theo ông Sassan Ghahramani, Giám đốc điều hành của SGH Macro Advisors tại New York, kế hoạch của ECB có nhiều ý nghĩa về mặt lý thuyết, nhưng trước tiên phải xác định được nơi cần thiết để cho vay.
“Tất cả các điều này chỉ có hiệu quả về lợi ích trên góc độ vĩ mô, chắc chắn các thị trường sẽ chẳng quá háo hức về việc liệu rằng điều đó có thành hiện thực và bao giờ xảy ra”, Ghahramani nói.
Các khoản vay chứng khoán hóa bị cho là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính, khiến hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới rơi vào đổ vỡ. Các quy định chặt chẽ hơn chính là câu trả lời cho việc giải quyết tình trạng này, tuy nhiên, biện pháp này sẽ làm cho các tài sản kém hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng trong việc tạo ra và giữ chúng.
Năm ngoái, 180,8 tỷ euro các sản phẩm chứng khoán hóa đã được phát hành ở châu Âu, giảm so với con số 251 tỷ euro vào năm 2012, Hiệp hội các thị trường tài chính ở châu Âu cho biết. Con số này khác xa so với mức trước khủng hoảng, khoảng 450 tỷ euro trong năm 2007 và thậm chí tăng lên 711 tỷ vào năm sau đó.
ECB đang tích cực vực dậy thị trường với quan điểm cho rằng, các chứng khoán có tài sản đảm bảo của châu Âu khác biệt so với loại chứng khoán này ở Mỹ, do đó cần phải có những cách xử lý vốn nhẹ nhàng hơn.
Tại cuộc họp G20 vào cuối tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi và đoàn tùy tùng của ông đã đưa ra các lập luận thuyết phục các thị trường tài chính thế giới rằng, thị trường châu Âu xứng đáng với một cách xử lý khác.
Vẫn còn một khoảng thời gian trước khi ECB quyết định mua tài sản quy mô lớn có cần thiết hay không? Nhưng ngay cả khi các luật lệ được thay đổi trong thời gian tới, chưa rõ các thị trường sẽ phản ứng như thế nào.
Cũng có một số ý kiến khác đưa ra, rằng ECB không cần thiết phải hành động ngay lập tức, mà có thể chờ đợi thêm những biểu hiện rõ ràng hơn về tình hình lạm phát trước khi bắt đầu chương trình của mình.
“Việc mua tài sản quy mô lớn của ECB sẽ không xảy ra trừ khi chúng ta có thể thấy tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi và rủi ro giảm phát tăng lên”, ông Pill nói.
Báo cáo của ECB trong tháng 6 và tháng 9 tới sẽ cung cấp cho các ngân hàng một ý tưởng tốt hơn về việc liệu sự sụt giảm bất ngờ trong lạm phát tháng 3 xuống mức 0,5% có làm trật đường ray về triển vọng trung hạn của khu vực này đối với sự ổn định giá cả hay không.
“Nếu tình hình không quá tệ, thì phải đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới, chứ không phải là vài tháng tới, ECB sẽ thực hiện chính sách nới lỏng của mình”, ông Pill nói thêm.