“Trong nhiều tháng qua, chúng tôi đã xem xét vấn đề giảm phát như thể theo dõi diễn biến của một cơn bão trên biểu đồ thời tiết. Thế nhưng biểu đồ dường như không đúng và vấn đề giảm phát vẫn hiện hữu ở đó”, Wolfgang Münchau, chủ mục Kinh tế châu Âu của Financial Time nói.
Xem xét các dấu hiệu, cơ quan thống kê của Đức cho biết trong tuần qua rằng, tiền lương thực tế - sau khi trừ lạm phát - đã giảm trong năm 2013. Điều này nằm ngoài dự tính, bởi các cuộc khảo sát khác đều cho thấy chúng đi lên. Dường như đã có chuyện xảy ra với các khoản chi trả liên quan đến lợi nhuận và các cấu phần khó định lượng khác của tiền lương: chúng đã sụt giảm trong năm qua.
Đối với Khu vực đồng euro (eurozone), giảm phát ở Đức được coi là một “ác mộng”. Nếu các nước ngoại biên của khu vực muốn trở nên cạnh tranh hơn, họ cần có lạm phát thấp hơn Đức. Nhưng nếu Đức cũng đang giảm phát thì sự dịch chuyển cạnh tranh sẽ không xảy ra, tương tự là trường hợp phần còn lại của eurozone cũng rơi vào giảm phát, hoặc cả hai.
INSEE, Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế của Pháp, vừa công bố tỷ lệ lạm phát lõi hàng năm - ngoại trừ thuế và các nhân tố hay biến động - đã giảm mạnh từ mức 0,6% của tháng 12 năm ngoái xuống còn 0,1% trong tháng 1 năm nay. Giá sản xuất, một chỉ số suy tiến khác (chi phí đẩy), theo Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), đã giảm trên toàn bộ khu vực đồng euro xuống còn rất thấp là 0,8% trong tháng 12/2013 (so với cùng kỳ năm trước).
Liệu có phải ECB không nhìn ra điều này? Dĩ nhiên là có. Song hệ thống phân tích của cơ quan này nói rằng: tình hình vẫn ổn. Mô hình kinh tế mang nặng tính ngụy biện của ECB chỉ nhận ra rủi ro giảm phát không đáng kể từ chỉ số giá tiêu dùng chính thức. ECB cũng phân tích các dòng tiền. Nhưng những phân tích này cũng gợi ý rất ít vấn đề cần lo lắng. Sự suy giảm trong cung tiền mở rộng, theo bản tin tháng gần nhất của ECB, là xuất phát từ các nguyên nhân mang tính kỹ thuật. Ngân hàng này tin rằng, đây gần như chắc chắn không phải là một dấu hiệu của giảm phát.
Không may, có những lý do thuyết phục để đặt dấu hỏi về cách nhìn nhận lạc quan này. Đầu tiên, mô hình kinh tế không dự đoán được sự suy giảm hiện tại của các tỷ lệ lạm phát được báo cáo. Điều này không ngạc nhiên. Một trong những thiếu sót của mô hình này là chúng không thể dễ dàng nắm bắt được các cú sốc tài chính, do không có cấu phần này trong mô hình. Chúng phù hợp để ứng phó với một cuộc tấn công từ bên ngoài hơn là đổ vỡ tín dụng từ bên trong.
ECB cũng đang trung thành với một quan điểm thiếu chắc chắn khác. Đó là, người tiêu dùng sẽ kỳ vọng giá tăng liên tục. Có những chỉ báo kỹ thuật khác nhau về thị trường tài chính đo lường các kỳ vọng hiện tại về lạm phát tương lai, mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng. Các chỉ số này chứa đựng những thông tin nhất định, nhưng tất cả đều có cùng một vấn đề, đó là được ước tính trên cơ sở giá thị trường. Và bởi vậy, chúng thường thay đổi nhanh hơn việc các NHTW thay đổi chính sách.
Cần nhớ lại những gì đã xảy ra với Nhật Bản. Khi nền kinh tế nước này chìm vào trạng thái lạm phát âm và tăng trưởng bằng không hồi những năm 1990, nó đã bị mắc kẹt ở đó. Cho đến nay, vẫn có tranh cãi về việc chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ là thích hợp hơn để xử lý tình huống này. Nhưng không có tranh cãi về việc, một sự kết hợp chính sách, bao gồm thắt chặt tài khóa, nới lỏng tiền tệ có điều kiện và từ chối “chôn” các ngân hàng đã chết, là không hiệu quả. ECB luôn nói rằng châu Âu khác Nhật Bản. Thực tế đúng như vậy. Châu Âu có nguy cơ tồi tệ hơn Nhật Bản.
Một vấn đề đối với ECB là, nó là NHTW của một liên minh tiền tệ. ECB không có chính phủ để đối ứng trực tiếp. Các chính sách đặc biệt như nới lỏng định lượng, vì thế, phức tạp hơn nhiều, cả về mặt kỹ thuật lẫn khía cạnh pháp lý. Ví dụ, nếu ECB muốn mua trái phiếu thì cũng không biết nên mua của nước nào, nhiều hay ít. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề kỹ thuật bao giờ cũng có cách giải quyết. ECB không còn nhiều dư địa để thực thi các chính sách thông thường. Hai loại lãi suất quan trọng nhất hiện chỉ còn tương ứng 0% và 0,25%.
Thứ duy nhất đủ mạnh để ngăn chặn giảm phát bây giờ phải nằm ngoài các công cụ thông thường. Chúng có thể bao gồm việc mua trái phiếu chính phủ và DN, trái phiếu ngân hàng, hay thậm chí là cổ phiếu công ty. Chúng cũng có thể bao gồm việc tài trợ cho các gói vay, bảo lãnh cho các DN nhỏ vay vốn, hay thậm chí là trực tiếp cho vay DN. Nhưng nếu các biện pháp này lâu được thực hiện và căn bệnh giảm phát trở nên “thối rữa” - ăn sâu hơn vào giá lương, hàng hóa và dịch vụ - thì việc xử lý chúng sẽ khó khăn và tốn kém hơn nhiều.