Tăng trưởng quý IV vượt xa dự báo
Cổ phiếu châu Âu tăng nhanh hôm cuối tuần trước sau khi các số liệu cho thấy nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung này đã vượt qua cả các dự đoán: khu vực này đã tăng trưởng 0,3% trong quý IV/2013, so với mức tăng chỉ 0,1% trong ba tháng trước đó.
Các thị trường thậm chí bỏ qua cả cuộc biến động chính trị ở Italy, nơi Matteo Renzi đã vươn lên chiến thắng trong cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt với đối thủ Enrico Letta để trở thành người dẫn đầu nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng Euro.
Chỉ số FTSE Eurofirst 300 index kết thúc tuần qua tăng 2,4%, đảo ngược lại vị thế thua kém tháng trước so với các nền kinh tế mới nổi.
Sự phục hồi niềm tin trong các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro đưa đến khả năng phục hồi kinh tế tại khu vực này, bắt đầu với việc Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cam kết sẽ “làm bất cứ điều gì” đề đồng euro trở lại xu thế tăng.
Các dữ liệu trên cùng đồng nghĩa với việc nền kinh tế của khu vực đồng Euro đã tăng thêm 0,5% trong khoảng thời gian từ quý IV/2012 cho đến cuối năm 2013. Trong năm 2013, kinh tế của khu vực đã giảm xuống do những lo sợ về việc liên minh tiền tệ này có thể sụp đổ. Cam kết của Draghi vào mùa hè 2012 đã giúp trấn an những nỗi lo trên nhưng vẫn cần thời gian để có tác động thực sự tới các doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Những số liệu tích cực gần đây nhất lại bắt nguồn từ ngay chính trung tâm của cuộc khủng hoảng. Bồ Đào Nha đã phá vỡ những dự đoán tiêu cực khi báo cáo tăng trưởng kinh tế 0,5%, vượt xa các con số ước tính tăng chỉ 0,1%. Italy đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, với báo cáo tăng trưởng 0,1% - quý tăng đầu tiên kể từ mùa Xuân năm 2011. Tây Ban Nha tăng trưởng 0,3%, dựa theo các con số đưa ra tháng trước.
Evelyn Herrmann, kinh tế gia của BNP Paribas, nói: “Đây là quý tăng trưởng thứ ba liên tiếp trong khu vực đồng Euro, nhưng thêm vào đó còn có cả nét hấp dẫn của việc tăng trưởng trên diện rộng, vượt xa phạm vi của các quốc gia cốt lõi. Thực sự, đây là lần đầu tiên kể từ quý I/2011 cả 5 nền kinh tế trong khu vực đồng Euro đều báo cáo tăng trưởng quý dương”.
Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, cũng đã vượt qua các kỳ vọng với tăng trưởng lần lượt là 0,3% và 0,4%, trong khi đó Hà Lan tăng mạnh mẽ 0,7%. Insee, cơ quan thống kê quốc gia của Pháp, cũng đã điều chỉnh số liệu GDP của nước này cho quý I từ ước tính âm 0,1% lên ước tính không đổi.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cam kết sẽ “làm bất cứ điều gì” để đồng euro trở lại xu thế tăng
Tiền chuyển từ thị trường mới nổi và Mỹ sang châu Âu
Trong khi những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu trong năm nay làm nảy sinh khả năng các dòng tiền nóng sẽ rút đáng kể ra khỏi các thị trường mới nổi và thị trường Mỹ, châu Âu ngược lại đang khiến nhà đầu tư hưng phấn và kỳ vọng.
Peter Harrison, Trưởng toàn cầu của khối vốn cổ phần ở Schroders Investment Management nhận xét rằng, sự hồi phục của khu vực châu Âu đang thu hút nhà đầu tư. “Cứ như thể vẫn còn rất nhiều tiền chảy ra từ mọi ngóc ngách trên thế giới và chảy về châu Âu”.
“Châu Âu đang bị định giá thấp hơn giá trị thật một cách tuyệt vời so với Mỹ. Miễn là bạn tin rằng thu nhập của châu Âu sắp sửa tăng lên, các giao dịch sẽ chuyển ngay sang châu Âu”, Jim McCormick, chiên lược gia phân bổ tài sản toàn cầu ở Barclays nói.
Chỉ số US S&P 500 cũng đã tăng trở lại trong tuần này nhưng cho đến cuối tuần lại vẫn kết thúc thấp hơn gần 1% so với thời điểm đầu năm.
Đầu tuần vừa rồi, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) – những quỹ giao dịch giống như các cổ phiếu và thường bám sát các rổ chứng khoán, được sử dụng rộng rãi bởi các quỹ đầu cơ cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhờ tính chất linh hoạt – đã đưa ra các số liệu cho thấy dòng tiền đang đổ về châu Âu.
Ngay từ thời điểm đầu năm nay, các quỹ này đã đem đến những thước đo đúng lúc về việc chuyển dịch tâm lý của nhà đầu tư đằng sau hiện tượng lao dốc của các thị trường mới nổi.
“Mọi thứ có thể chuyển dịch nhanh chóng, và việc theo dõi dòng tiền tại các ETF là một cách để biết một vài chuyển dịch”, Brian Leung, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Bank of America Merrill Lynch nói.
Ramin Nakisa, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu ở UBS nhận xét rằng, nhà đầu tư có sự phân biệt giữa châu Âu và Mỹ, và cả Mỹ và các ETF của thị trường mới nổi đều bị xếp vào nhóm cần thận trọng.
Lượng tiền rút ròng ra khỏi ETF cổ phiếu Mỹ đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD trong tháng 1 – ngược lại với xu thế tăng ròng mạnh trong năm ngoái. Trong khi đó lượng tiền rút ròng ra khỏi các ETF theo dõi các thị trường mới nổi đạt gần 9 tỷ USD, theo tính toán của UBS, do các nhà đầu tư rút ra khỏi các sản phẩm như iShares MSCI Emerging Market Index ETF và Vanguard FTSE Emerging Markets ETF.
Ngược lại, châu Âu trong lúc đó lại chứng kiến một dòng tiền vào ròng đáng kể trong tháng đầu tiên của năm nay, sau khi các số liệu kinh tế tốt hơn dự báo được đưa ra, đặc biệt là số liệu của các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro như Tây Ban Nha, và nhờ vào sự trở lại của niềm tin đối với sự ổn định của khu vực này.
Dòng tiền vào này cũng đang tăng áp lực lên cho đồng tiền của khu vực. “Tiền đang chảy về từ rất nhiều nơi – châu Á cũng như Mỹ. Đây là một sự phân bổ tiền thích đáng và chúng tôi cho rằng xu hướng sẽ tiếp tục”, Stephen Cohen, trưởng chiến lược đầu tư ở iShares, đơn vị quản lý ETF cho BlackRock nói.
“Quan điểm chung, và quan điểm của chúng tôi nói riêng, là châu Âu có thể tiếp tục vượt trội trong giai đoạn tránh rủi ro. Các thị trường mới nổi và Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn”, ông nói.
Nakisa của UBS nhận xét thêm “Các thị trường cổ phiếu Mỹ đã bắt đầu trở nên đắt hơn giá trị thật và khiến mọi người chuyển tiền sang châu Âu, nơi công cuộc hồi phục đang diễn ra”, “Người Mỹ nhìn nhận châu Âu hoặc là khủng hoảng hoặc là hồi phục. Họ đã chuyển sang hồi phục từ năm ngoái, và tiền đã chảy vào liên tục suốt từ đó đến giờ”.
Cùng thời điểm, dòng tiền ETF đã chuyển sang trạng thái xoay vòng luân phiên, hướng tới các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ. “Rõ ràng là giai đoạn này tâm lý tránh rủi ro rất phổ biến từ đầu năm tới nay”, Cohen nói.
Những thông tin tích cực của tăng trưởng đã loại bỏ bớt một số áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc phải thực hiện nhiều hành động hơn để thúc đẩy nền kinh tế của khu vực. Tuy nhiên lạm phát thấp có thể sẽ vẫn khiến cơ quan này phải hành động sớm vào tháng 3 này.
“Chúng tôi không nghĩ là mức tăng trưởng tích cực nhưng chật vật này sẽ loại bỏ đi yêu cầu phải có thêm động thái chính sách từ phía Ngân hàng Trung ương châu Âu”, Jonathan Loynes, kinh tế gia của Capital Economics nói.