Dù có thể gọi là cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ở châu Âu hồi năm 2010 đã trôi qua, nhưng châu lục này vẫn đối diện với một cuộc khủng hoảng chính trị, đó là sự chia rẽ giữa các quốc gia cho vay và đi vay, tỷ phú Soros nói trong một cuộc phỏng vấn của Truyền hình Bloomberg tại London ngày hôm qua.
Cùng lúc đó, các ngân hàng lại được khuyến khích vượt qua các cuộc thử nghiệm khủng khoảng (stress test), thay vì thúc đẩy nền kinh tế bằng cách bơm vốn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư 83 tuổi nói.
Châu Âu “có thể sẽ không qua khỏi 25 năm đình trệ”, Soros nói. “Châu lục này phải tiến xa hơn với liên minh ngân hàng, phải giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này, bởi châu Âu đang tụt lại phía sau so với phần còn lại của thế giới trong công cuộc tái cấu trúc các ngân hàng”.
Soros, người sở hữu công ty quản lý quỹ đầu cơ với lợi suất trung bình 20%/năm trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 2011, là người lúc nào cũng chỉ trích cách tổ chức liên minh tiền tệ và biện pháp cắt giảm ngân sách được áp dụng ở các nước con nợ như Hy Lạp và Tây Ban Nha trong thời kỳ cao trào của cuộc khủng hoảng (nợ công). Ông nói rằng, các chính sách cơ bản hơn là bắt buộc để châu Âu tránh rơi vào một thời kỳ dài đình đốn.
Soros cũng nói rằng, Ukraine sẽ như một lời cảnh tỉnh đối với châu Âu, bởi cuộc khủng hoảng chính trị mà quốc gia này đang đối mặt phần nào xuất phát từ những vấn đề từng là căn nguyên của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực vài năm trước.
Liên minh châu Âu đã đòi hỏi quá nhiều ở Ukraine và giúp lại được quá ít khi nước này cố gắng gia nhập liên minh tiền tệ, Soros nói. Điều đó đã tạo điều kiện cho Thổng thống Nga Putin nhảy vào lấp chỗ trống và giành được quyền lực ở Ukraine, Soros nói.
“Châu Âu cần tìm lại sự thống nhất của chính mình, thay vì mỗi nước chỉ khư khư lợi ích riêng và làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với các thành viên khác”, Soros nói. “Tôi hy vọng châu Âu sẽ vượt qua thử thách này”, ở Ukraine.