ECB đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng và công bố một chương trình mua trái phiếu chính phủ mới. Nhưng các biện pháp này cho đến nay đã không tháo gỡ được vấn đề bế tắc cho vay đối với nền kinh tế.
Lạm phát khu vực đồng euro đang ở mức 0,8% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ECB (dưới 2%). Dữ liệu của ECB công bố vào cuối tuần trước cũng cho thấy, các khoản vay cho khu vực tư nhân đã giảm 2,2% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức sụt giảm 2,3% trong tháng 12 vừa qua.
Cung tiền M3 khu vực đồng euro - một chỉ số đo lường tiền mặt trong nền kinh tế, đã tăng trưởng với tốc độ 1,2%, nhích hơn một chút so với mức 1,0% trong tháng 12.
“Cung tiền tăng yếu không chỉ khiến khu vực đồng euro phục hồi trì trệ, mà còn tăng khả năng rằng khu vực đơn vị tiền tệ chung này có thể dễ dàng trượt vào suy thoái một lần nữa”, David Brown tại New View Economics cho biết .
Ông này nói thêm rằng, ECB vẫn cần phải có những sáng kiến đột phá mới để có thể đưa kinh tế khu vực đồng euro tăng tốc nhanh. “Một sự thay đổi cốt lõi trong việc nới lỏng định lượng vẫn đang chờ đợi phía trước”.
ECB lo ngại rằng, lạm phát có nguy cơ sẽ bị mắc kẹt trong “vùng nguy hiểm” dưới 1% và đang xem xét liệu có nên thực hiện chính sách mới vào thứ Năm tuần này để hỗ trợ nền kinh tế.
Sau cuộc họp ngày 6/2, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết, ngân hàng này đã quyết định sẽ không đưa ra hành động chính sách nào, trong khi sẽ thu thập thêm thông tin về triển vọng tăng trưởng, lạm phát, cũng như đánh giá tác động của tình trạng hỗn độn ở khu vực đồng euro đối với các thị trường mới nổi.
“Chúng tôi sẽ xem xét mọi khía cạnh của vấn đề trước khi quyết định”, Yves Mersch, một trong sáu thành viên Ban chấp hành thuộc HĐQT của ECB cho biết.
Lựa chọn chính sách
ECB đã đề ra hai kịch bản có thể kích hoạt chính sách mới: một là sự suy giảm trong triển vọng về lạm phát trung hạn và sự thắt chặt thị trường tiền tệ trong ngắn hạn. Trước khi ECB tiến hành nới lỏng định lượng, một lựa chọn mà nhiều nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này thể hiện sự dè dặt sâu sắc, việc cắt giảm lãi suất là một trong những lựa chọn được đưa ra để đối phó với lạm phát thấp trong khu vực đồng euro, hoặc các thị trường tiền tệ chặt chẽ.
Một lựa chọn khác mà ECB đang thảo luận là ngừng hoạt động để hấp thụ tiền mà họ đã bỏ ra để mua trái phiếu chính phủ trong chương trình Securities Markets Programme (SMP) đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro.
“Tôi nghĩ rằng bây giờ điều đó gần như là một quyết định không thể tránh khỏi, hoặc ngừng các SMP, hoặc có thể cắt giảm ở quy mô lớn”, Francesco Papadia, cựu Giám đốc ECB về các hoạt động thị trường tài chính cho biết .
“Cho dù điều này sẽ được đi kèm với một cái gì đó khác nữa, nhưng cảm giác của tôi là nếu họ làm điều này, họ có thể bằng lòng trong một thời gian. Tuy nhiên, dự báo lạm phát cho năm cũng sẽ rất quan trọng”, ông nói thêm.
Khả năng giữ nguyên chính sách
Đầu tuần trước, thành viên HĐQT Bostjan Jazbec đã nói rằng: “Tôi không thấy bất kỳ rủi ro giảm phát nào”. Trong khi một thành viên khác là Ewald Nowotny cho rằng, nền kinh tế có thể sẽ có mức lạm phát dưới 2% đối với khu vực đồng euro cho đến năm 2016. “Chúng ta đang ở trong môi trường giá thấp, nhưng chắc chắn là không ở trong tình trạng giảm phát”, ông Nowotny nhấn mạnh.
Ông này cũng cho rằng, tình trạng giảm phát xảy ra tại một số nước ngoại vi là “một phần của quy trình điều chỉnh cần thiết”, nhằm giúp các quốc gia này trở lên cạnh tranh hơn, mà ngụ ý là việc này không nên là vấn đề cần quan tâm đối với ECB. Thành viên thứ ba trong HĐQT ECB, Gaston Reinesch, cũng cho biết, ông không thấy bất kỳ rủi ro giảm phát nào tại thời điểm này. Vì vậy, trừ phi các nhà kinh tế học của ECB có quan điểm khác biệt rõ ràng về thế giới, có thể họ sẽ không đi đến một kịch bản nào vào tuần này về việc ECB tiếp tục nới lỏng chính sách.