Hành động của Fed và toan tính từ ECB

(ĐTCK) ECB bắt đầu cảnh báo những rủi ro mà hành động cắt giảm QE3 của Fed có thể gây ra đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế khu vực đồng tiền chung - eurozone.
Hành động của Fed và toan tính từ ECB

Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của eurozone cần tích cực chuẩn bị các biện pháp để ứng phó với những cú sốc có thể xảy ra trên thị trường.

Trong báo cáo ổn định tài chính gần đây nhất, ECB nói rằng, những rủi ro đối với hệ thống tài chính eurozone đến từ bên ngoài liên minh tiền tệ đã tăng lên từ tháng 5, liên quan đến sự kiện Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh tiếng về khả năng thu hẹp gói chương trình nới lỏng định lượng (QE3) - cho dù các điều kiện thị trường đã có sự cải thiện.

“Đầu tháng 5 đã xuất hiện hiện tượng định giá lại trên các thị trường trái phiếu toàn cầu, nguyên nhân là sự thay đổi kỳ vọng chính sách tiền tệ ở Mỹ, cùng với bất ổn và căng thẳng tăng lên trên thị trường hối đoái của các nền kinh tế mới nổi”, báo cáo của ECB viết.

Hành động của Fed và toan tính từ ECB ảnh 1

Không lâu sau khi ECB hạ thấp các rủi ro đối với eurozone hồi tháng 5, rúng động đã xảy ra khi Fed đánh tiếng về việc cắt giảm gói QE3

Sau khi gây ra sóng gió trên khắp các thị trường tài chính trong mùa hè vừa qua, Fed đã chịu sức ép quốc tế về việc truyền thông rõ ràng hơn. Tuy nhiên, phận sự của Fed là tập trung giải quyết các vấn đề việc làm và lạm phát tại Mỹ, nghĩa là Quỹ không xem xét ảnh hưởng từ các quyết định của mình ra bên ngoài lãnh thổ Liên bang.

ECB nói rằng, các nhà đầu tư tổ chức của khu vực đồng tiền chung dễ bị tổn thương bởi các thị trường trái phiếu hơn là các ngân hàng trong khu vực, nhưng rất khó để biết đâu là nơi có rủi ro mất mát sau cùng lớn nhất. “Không thể loại trừ khả năng, ảnh hưởng sau cùng tập trung ở một số lượng hạn chế các thực thể hiện đang dễ bị tổn thương nhất”, ECB nói.

ECB phân tích thêm, sự hỗn loạn gần đây nói nên rằng, các nhà làm chính sách cần đảm bảo cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí có thể đương đầu với một sự “bình thường hóa” mặt bằng lợi suất mới, từ mức thấp lịch sử hiện nay.

Các chính sách kinh tế vĩ mô “ổn định và có thể dự đoán” của các quốc gia thành viên, cũng như các biện pháp định hướng thị trường và công chúng về lãi suất của ECB sẽ giúp trung hòa những ảnh hưởng từ việc Fed rút gói QE3, ECB nói.

Trong ấn bản báo cáo ổn định tài chính gần đây, ECB nói rằng, những rủi ro biến động từ bên trong khu vực đồng euro đã lùi lại phía sau. Tuy nhiên, rúng động đã xảy ra sau đó không lâu, khi Chủ tịch Fed Ben Bernanke gián tiếp nói về khả năng dừng chương trình mua tài sản.

Theo ECB, hiệu quả hoạt động yếu kém của các ngân hàng và tình trạng phân rã dai dẳng trong hệ thống tài chính vẫn đe dọa sự ổn định. Liên minh ngân hàng sẽ là “một đóng góp quan trọng” cho việc xử lý những thách thức này. Nhưng nếu không có thêm các cải cách mới thì những thành quả đã đạt được chỉ dừng ở đó.

Hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng không được nhìn thấy trước cũng đem đến một nguy cơ. “Mặc dù hoạt động giám sát đang tăng lên, nhưng điều đó chỉ giúp ECB nhìn thấy rõ hơn sự suy giảm chất lượng của các tài sản. Ngân hàng đã kêu gọi bổ sung nguồn dự trữ để có thể tăng cường cho bảng cân đối mỗi khi chất lượng tài sản giảm thêm”.

Đầu tháng này, ECB đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống mức thấp kỷ lục, nhằm thúc đẩy sự hồi phục của khối tiền tệ chung, đồng thời cho biết, Ngân hàng có thể sẽ dùng đến các công cụ mạnh hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, ông Vítor Constâncio, Phó chủ tịch ECB, đã đánh giá thấp khả năng sử dụng một trong các công cụ đó: giảm lãi suất tiền gửi tại ECB về dưới không (âm).

Biện pháp đó chỉ có thể được xem xét trong “những tình huống vô cùng đặc biệt”, ông Constâncio nói, trong khi nhắc lại rằng, ECB đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật để cắt giảm lãi suất hiện đang bằng không đó. Constâncio lưu ý, lãi suất âm đã được sử dụng ở Đan Mạch, nhưng ở phạm vi một nền kinh tế lớn như eurozone, vấn đề là rất khác, không thể tùy tiện áp dụng được.

“Hạ lãi suất dù sao cũng chỉ là biện pháp tình thế, điều quan trọng hơn là xây dựng lại niềm tin vào các ngân hàng và giảm bớt tình trạng phân rã trong hệ thống tài chính”, Constâncio nói. “Và để làm được điều đó, ECB phải áp dụng các biện pháp kiên quyết và đáng tin cậy. Không thể khác được”.  

>> Vàng lắc mạnh sau tin ECB hạ lãi suất

>>Cứu Eurozone, ECB đau đầu

>>Fed sẽ cắt giảm 20 tỷ USD/tháng?


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục