Việc tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ lên mức 0,9% trong tháng 11, từ mức 0,7% của tháng 10, đã làm giảm khả năng 23 thành viên hội đồng của ECB, sẽ họp trong tuần này, duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay cho năm tới.
Tuy nhiên, trong khi ECB không được dự báo sẽ làm gì, thì vị chủ tịch của Ngân hàng, ông Mario Draghi, lại được kỳ vọng sẽ đưa ra thông điệp giữ nguyên chính sách tiền tệ đang áp dụng tại buổi họp báo trước cuộc họp của ECB.
“Chủ tịch Draghi sẽ có hai thông điệp gửi tới thị trường”, Richard Barwell, một kinh tế gia của Royal Bank of Scotland dự đoán. “Thông điệp thứ nhất là thị trường không nhất thiết phải hoảng sợ, bởi rủi ro khu vực đồng tiền chung rơi vào giảm phát vẫn còn xa. Thông điệp thứ hai là nếu mọi thứ trở nên tồi tệ thì Hội đồng cũng đã sẵn sàng và có thể hành động”.
Một trong những dấu hiệu để có thể biết mức độ sẵn sàng của ECB trong việc biến lời nói thành hành động sẽ xuất hiện trong đợt công bố các chỉ tiêu dự báo hàng quý tới đây. Việc hạ mức lạm phát dự báo cho năm tới từ mức 1,3% hồi tháng 9 được xem như chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, về mặt chính sách, quan trọng hơn là những gì mà ECB nghĩ sẽ xảy ra để gây áp lực lên giá cả trong năm 2015.
François Cabau, một nhà kinh tế của Barclays, nói rằng: “Việc đưa ra dự báo lạm phát cho năm 2015 là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi cho rằng, lạm phát sẽ tăng từ mức 0,9% của năm tới lên mức 1,1% của năm sau đó. Trên cơ sở đó, chúng tôi dự báo ECB cũng sẽ nâng mức dự báo lạm phát trong năm 2015. Nhưng nếu họ không nâng lên thì đó có thể là một dấu hiệu cho thấy, Ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất trở lại”.
Mặc dù lạm phát tháng trước có tăng lên, song áp lực tăng giá ở khu vực ngoại vi khối tiền tệ chung vẫn chưa xuất hiện.
Ông Drahi từng nói rằng, lạm phát tại các nền kinh tế khủng hoảng nhất khu vực, ở một mức độ nhất định, là cần thiết để nền kinh tế đó trở nên cạnh tranh. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cũng nói rõ là, lạm phát trên phạm vi toàn khu vực cần nằm trong mục tiêu kiểm soát của Ngân hàng, tức dưới 2%, để đảm bảo giữ cân bằng vĩ mô. Một đồng euro mạnh hơn sẽ kiềm hãm tăng trưởng và lạm phát thông qua tác động đến thương mại, và điều đó có thể ngăn cản Ngân hàng Trung ương hành động - tăng lãi suất.
Trong tuần này, ông Draghi được dự báo sẽ đưa ra một vài lựa chọn để đưa lạm phát tăng trong khuôn khổ. Một trong những lựa chọn đó có thể là cắt giảm lãi suất mà ECB trả cho các định chế tài chính gửi tiền tại Ngân hàng. Mức lãi suất đó hiện là 0% và nếu được giảm về dưới mức này, nó trên thực tế là một khoản thuế đánh trên tiền dự trữ của các ngân hàng.
“Trong trường hợp đồng euro tăng giá, việc cắt lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương là có thể sẽ xảy ra”, Huw Pill, Kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Goldman Sachs nói. “Theo những gì ông Draghi nói thì dường như ông ta không phải là một người có chủ trương thay đổi. Draghi từng cảnh báo về những hậu quả không lường trước của việc tăng lãi suất”.
Ông Pill nói thêm rằng: “Việc giảm lãi suất tiền gửi nói trên sẽ kích thích các ngân hàng từ Đức đến Tây Ban Nha cho vay ra nền kinh tế với lãi suất rẻ hơn, mặc dù điều đó đồng nghĩa với rủi ro giảm hiệu quả hoạt động của các ngân hàng”.
Trong khi tất cả các cuộc thảo luận trong những tháng gần đây đều cảnh báo tình trạng giảm phát, sự phân rã về tài chính vẫn là một vấn đề dai dẳng của khu vực đồng euro. Các điều kiện tín dụng tiếp tục khác nhau giữa các quốc gia, trong đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các nước ngoại vi phải chịu chi phí vay cao hơn các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực trung tâm.
Theo dữ liệu của ECB, các doanh nghiệp Đức chỉ phải trả mức lãi suất trung bình cho các khoản vay là 2,86%/năm, tính đến tháng 10/2013. Còn ở Tây Ban Nha, tỷ lệ lãi suất này là 3,65%, ở Ý là 3,5%.
Để xử lý sự chênh lệch về chi phí vay, Ngân hàng Trung ương có thể tung ra một gói tín dụng 3 năm khác thông qua hoạt động tái cấp vốn dài hạn của mình. Theo các chuyên gia, ECB có thể cố định lãi suất cho các khoản vay đó để bảo vệ người vay khỏi rủi ro tăng lãi suất trong những năm tới.
ECB cũng có thể thực hiện các biện pháp khác, nhằm mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực ngoại vi eurozone. Song nếu tăng trưởng và lạm phát trong năm tới phù hợp với dự báo của hầu hết các nhà kinh tế về một sự phục hồi nhẹ, thì khả năng một trong các biện pháp nói trên trở thành hiện thực là rất nhỏ.