Trái phiếu - căn nguyên phục hồi của cổ phiếu châu Âu

(ĐTCK) Sự phục hồi của các thị trường trái phiếu ở các quốc gia ngoại vi khu vực đồng euro (eurozone) đã được chào đón nồng nhiệt trong năm qua. Điều đó, ít nhất cho đến nay, đã góp phần thúc đẩy thị trường cổ phiếu ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ai Len và Ý.
Trái phiếu - căn nguyên phục hồi của cổ phiếu châu Âu

Ở thời kỳ cao trào của cuộc khủng hoảng nợ công, lợi suất trái phiếu chính phủ ở các quốc gia ngoại vi eurozone, nghịch đảo với giá, đã làm dấy lên những lo ngại về sự tan vỡ của liên minh tiền tệ. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Hy Lạp đạt đỉnh trên 28% vào năm 2012, nhưng giờ đã giảm còn 7,23%. Tương tự, trái phiếu Ai Len cũng từ mức cao 14% năm đó giảm xuống còn 3,15% hiện nay.

Không chỉ trái phiếu, năm ngoái, thị trường cổ phiếu khu vực ngoại vi cũng có diễn biến ấn tượng. Trong khi chỉ số chứng khoán MSCI Europe Index (toàn châu Âu) tăng 14,5%, chỉ số MSCI Index cho riêng Ai Len tăng tới 48,2%, Hy Lạp tăng 38%, Tây Ban Nha tăng 31,4% và Ý tăng 27,3%.

Andrew Parry, Giám đốc điều hành của Hermes Sourcecap, nói rằng, sự phục hồi ngoạn mục này cho thấy, đã có thay đổi sâu sắc về tâm lý nhà đầu tư đối với các nước ngoại vi. Theo Parry, một phần nguyên nhân của xu hướng tích cực này là từ sự phục hồi của thị trường trái phiếu, do nó giúp làm giảm phần bù rủi ro của cổ phiếu.

Các nhà phân tích cũng đồng ý rằng, nhân tố then chốt đứng đằng sau đợt tăng điểm này là những lo ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô đã dịu bớt kể từ khi ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hồi tháng 7/2012, hứa sẽ làm “bất cứ điều gì” có thể để cứu sống đồng euro.

Việc chứng khoán tăng điểm gần đây càng làm tăng thêm niềm tin về đà tăng trưởng ở nhiều phần của châu Âu.

Stephanie Flanders, Chiến lược gia trưởng về thị trường Âu - Mỹ của JPMorgan Asset Management, cho rằng, còn sớm đề nói về sự phục hồi của eurozone khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao và cho vay doanh nghiệp tiếp tục giảm.

“Nhưng đang có một số tin tốt đến từ các nền kinh tế khủng hoảng cũng như các nước ổn định khác, như Đức, nơi tăng trưởng đang được thiết lập”, bà Flanders nói. “Các số liệu về Tây Ban Nha là một ví dụ, chúng tốt lên một cách đáng ngạc nhiên. Ai Len cũng đang rất sáng sủa. Và Hy Lạp đã có chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong tháng 1 chạm mức 50, mức cho thấy nền kinh tế đang mở rộng, lần đầu tiên trong hơn 4 năm qua”.

Theo ông Parry, tất cả thành quả tăng trưởng của thị trường cổ phiếu châu Âu trong năm qua đến từ sự đánh giá lại triển vọng kinh tế của các nhà đầu tư. Trên thực tế, không có tăng trưởng lợi nhuận ở các doanh nghiệp, thị trường tăng chủ yếu nhờ tinh thần lạc quan của nhà đầu tư.

“Nhưng một số cuộc khảo sát PMIs và niềm tin người tiêu dùng gần đây bắt đầu xác nhận có một sự phục hồi”, Parry nói. “Câu hỏi đặt ra là: mức độ phục hồi là bao nhiêu?”

Tăng trưởng trong năm nay của khu vực đồng euro hiện được Ủy ban châu Âu dự đoán là 1,2%. Giới phân tích cho rằng, mặc dù mức tăng trưởng như vậy là đáng mừng sau vài năm suy thoái, nhưng đà phục hồi thông thường phải bao gồm tăng trưởng từ 3 đến 4%. So với con số này thì mức tăng từ 1 đến 1,5% được xem là yếu.

“Trong rủi có may, cái được từ chính sách thắt lưng buộc bụng là nó buộc các nước và các doanh nghiệp phải thay đổi”, Parry nói về khía cạnh tích cực của tăng trưởng chậm ở eurozone. Thực tế, cả Ai Len và Tây Ban Nha đều đã giảm được đáng kể chi phí lao động. Ngay cả Pháp cũng đang chịu áp lực xử lý vấn đề này.

Không gì cho thấy tốt hơn về sự trở lại của niềm tin nhà đầu tư đối với các nước ngoại vi eurozone bằng thực tế là, trong suốt tháng 1 giảm điểm của các thị trường cổ phiếu lớn, như Đức, Pháp và Hà Lan, chứng khoán ở các nước như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn giữ giá.

Kerry Craig, Chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan Asset Management, nhận định: “Một lý do khiến TTCK ở các nước trung tâm eurozone giảm mạnh hơn là bởi các công ty lớn, như các nhà xuất khẩu của Đức, phơi nhiễm nhiều hơn với sự xáo trộn ở các thị trường mới nổi và với tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chậm lại của Trung Quốc.

Parry nhìn chung vẫn lạc quan về triển vọng của các cổ phiếu châu Âu, ông nói: “Khi so sánh với tiền mặt, trái phiếu và chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu vẫn có giá hấp dẫn. Do đó, đầu tư vào châu Âu vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên của nhiều công ty quản lý quỹ”.

Craig của JPMorgan tin rằng, cổ phiếu châu Âu giờ đang ở mức định giá trung bình kể từ năm 1999, tính trên cơ sở giá tương lai và tỷ lệ sinh lời - “không đắt”.

Tuy nhiên, Parry lưu ý rằng, giá có thể đã bao gồm sự lạc quan của nhà đầu tư.

“Giá trị tuyệt đối hiện đã ở mức khá cao, nên điều quan trọng bây giờ là dõi theo tình hình mạnh yếu của từng doanh nghiệp”, Parry nói. “Các nhà đầu tư sẽ phải chọn lọc. Sự phục hồi này không phải là phao cứu sinh cho mọi con thuyền”.

Quang Huy
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục