Đây là một trong những nội dung chính tại Tờ trình về việc đề nghị thành lập Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), đồng thời quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT.
Cùng với việc đưa PMU Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của Tổng công ty Cửu Long sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang PMU Mỹ Thuận bao gồm trụ sở làm việc, xe ô tô, một số máy móc thiết bị và điều chuyển tài sản, các nghĩa vụ liên quan còn lại cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT thành lập trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 trên cơ sở chuyển đổi PMU Mỹ Thuận (được thành lập năm 1994), Công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ. Tổng công ty này có số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con trên cơ sở kế thừa các quyền, nhiệm vụ và nghĩa vụ hợp pháp của PMU Mỹ Thuận, bao gồm 1 số dự án mà Bộ GTVT giao làm đại diện chủ đầu tư/chủ đầu tư.
Sau hơn 8 năm hoạt đông, Tổng công ty Cửu Long chưa được cấp đủ vốn điều lệ (hiện chỉ có 136,42 tỷ đồng); chưa được giao quản lý tài sản là các dự án hoàn thành có giá trị theo đề án thành lập; chưa tham gia đầu tư được tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn thương mại để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở thực tiễn hoạt động đã được đánh giá, tổng kết, việc duy trì mô hình Tổng công ty Cửu Long là không thể tiếp tục và rất cần thiết phải kết thúc mô hình thí điểm để có phương án tổ chức cho phù hợp.