Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận lâm vào đường cùng

Vướng mắc về lãi suất và khoản hỗ trợ của Nhà nước đã khiến Dự án BOT đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận rơi vào thế bế tắc, dù được tái khởi động lại cách đây 3 năm.
Nếu Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tìm lối ra, chậm kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ách tắc giao thông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn dài Nếu Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tìm lối ra, chậm kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ách tắc giao thông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn dài

Vỡ trận

Việc ký được hợp đồng tín dụng trị giá lên tới 6.850 tỷ đồng với các ngân hàng(gồm VietinBank - BIDV - VPBank - Agribank) hồi giữa tháng 6/2018 hóa ra vẫn chưa đủ để Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tạo ra gia tốc đủ lớn để Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Dự án) thực sự chuyển động.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đầu tuần trước, Bộ GTVT đã đưa những đánh giá hết sức u ám về khả năng dìu Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ  về đích vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, hiện Dự án này vẫn chưa thể giải ngân phần vốn vay từ các ngân hàng, do chưa đáp ứng được đủ các điều kiện tiên quyết khác trước khi giải ngân theo hợp đồng tín dụng. Điều kiện tiên quyết mà lãnh đạo Bộ GTVT đề cập chính là vướng mắc liên quan đến trần lãi suất vốn vay ấn định trong hợp đồng BOT vốn đeo đuổi Dự án khốn khổ này trong những năm qua.

Cụ thể, theo Quyết định 1700/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trần lãi suất phần vốn vay được ấn định là 7,82%/năm, tương đương 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ (được quy định tại Thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý tài chính tại các dự án PPP). Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, lãi suất cho vay trung, dài hạn theo công bố của Ngân hàng Nhà nước đã là 9,3-11%/năm, đã biến lãi suất trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trở nên lạc hậu.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 75/2017/TT-BTC ngày 21/7/2017 sửa đổi Thông tư 55/2016/TT-BTC với nội dung chính là nâng mức trần tính toán lãi suất vay thành 1,5 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Một năm sau, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư 88/2018/TT-BTC cho phép áp lãi suất vay theo mức trung bình lãi suất cho vay trung, dài hạn của 3 ngân hàng thương mại. 

Điều trớ trêu là cả 2 lần sửa đổi quy định về trần lãi suất vốn vay, Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đều không đủ điều áp dụng theo quy định tại điều khoản chuyển tiếp.

Hiện nay, lãi suất vay vốn từ các ngân hàng đã lên tới khoảng 10-11%/năm. Tại hợp đồng tín dụng của Dự án ký ngày 15/6/2018 giữa doanh nghiệp dự án với các ngân hàng là 10,8%/năm (dựa trên cơ sở lãi suất vay = lãi suất tham chiếu + 4%/năm), trong khi 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng thời điểm chỉ là 6,7%/năm. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất thực tế đi vay và lãi suất tính toán theo quy định pháp luật (khoảng 3-4%/năm). 

“Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, rất khó để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện Dự án theo Hợp đồng BOT đã ký, do họ phải bù lãi suất quá lớn, khiến công trình không có khả năng thu hồi vốn, thậm chí làm nhà đầu thua lỗ rất lớn”, ông Nhật cho biết.

Được biết, trong cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án, bên cạnh phần vốn chủ sở hữu trị giá 1.542 tỷ đồng, các nhà đầu tư phải huy động đủ 8.126 tỷ đồng từ vốn vay thương mại để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và thi công công trình. Tuy nhiên, trong suốt 3 năm qua, việc ký hợp đồng và giải ngân khoản tín dụng cho Dự án luôn nằm ngoài tầm với của nhà đầu tư, khiến công tác thi công trên công trường theo kiểu cầm chừng. 

“Tính từ tháng 10/2018 đến nay, chỉ có một số đơn vị thi công cầm chừng, khối lượng thực hiện không đáng kể. Lũy kế tính từ đầu Dự án chỉ đạt 955 tỷ đồng, chậm 16,5% so với tiến độ tổng thể. Với tình hình này, mục tiêu điều chỉnh - hoàn thành công trình vào năm 2020 là không khả thi”, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long,  đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho hay.

Rủi ro bủa vây

Được biết, ngay cả khi chấp nhận buông tay do không huy động được vốn cho Dự án với các lý do bất khả kháng như trên, thiệt hại đối nhà đầu tư là rất lớn.

Theo quy định của Hợp đồng BOT, Dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, nên lãi suất vay được điều chỉnh tăng/giảm tham chiếu lãi suất trái phiếu Chính phủ. Tại thời điểm ký Hợp đồng BOT, đã có sự chênh lệch lãi suất vay (tuy có thấp hơn thời điểm hiện nay) và Nhà đầu tư đã chấp thuận ký Hợp đồng BOT, nên về nguyên tắc, nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro khi lãi suất đi vay thực tế thấp hơn lãi suất tính toán theo quy định pháp luật. 

Do vậy, trường hợp nhà đầu tư từ chối thực hiện Dự án hoặc không có giải pháp khắc phục vi phạm Hợp đồng BOT, Bộ GTVT có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; khi đó nhà đầu tư sẽ bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng (162 tỷ đồng) và chỉ được bồi hoàn tối đa 80% giá trị đã thực hiện.

“Nhà đầu tư Dự án này thực sự rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tiến hay thoái đều rơi vào cảnh phá sản tài chính”, một chuyên gia nhận định.

Điều đáng nói là, không chỉ nhà đầu tư mà cả cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án cũng đang phải đối diện với vướng mắc ngoài tầm với. Cụ thể, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc Nhà nước hỗ trợ cho Dự án bằng quyền thu phí đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư Dự án và ký Hợp đồng BOT, trong đó quy định, ngoài việc thu phí trên chính tuyến nhà đầu tư được tiếp nhận quyền quản lý, khai thác và thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương trong thời hạn 8 năm 2 tháng. 

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giátài sản”.

Như vậy, theo Luật này, chỉ khi đủ điều kiện thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Nhà nước mới tổ chức đấu giá quyền khai thác tài sản công là đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với nguồn thu thu được sẽ ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công hoặc Chính phủ quyết định chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện việc giao cho nhà đầu tư quyền khai thác tài sản công theo chấp thuận trước đây.

Hiện, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án xử lý vướng mắc và phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án. 

Theo đó, phương án 1, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chấp thuận điều chỉnh quy định về lãi suất vay, tiếp tục thực hiện Dự án theo Hợp đồng BOT đã ký. Trường hợp nhà đầu tư từ chối thực hiện hoặc tiếp tục chậm triển khai Dự án, Bộ GTVT sẽ thực hiện ngay quyền chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn và xử phạt Nhà đầu tư theo quy định.

Đối với phương án 2, Chính phủ sẽ tháo gỡ vướng mắc để Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện Dự án và chỉ đạo Bộ GTVT điều chỉnh các điều khoản về lãi suất vay trong Hợp đồng BOT với lãi suất vay bằng trung bình lãi suất 3 ngân hàng thương mại lớn và chỉ áp dụng đối với phần khối lượng chưa thực hiện.

Đối với phần hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bố trí vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án từ nguồn vốn ngân sách. Ngân sách Nhà nước sẽ được hoàn lại thông qua việc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản công là đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (không giao nhà đầu tư quyền thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương để tăng cường tính công khai, minh bạch) trên cơ sở áp dụng quy định tại Điều 85 Luật quản lý, sử dụng tài sản công. 

“Trường hợp khó khăn trong việc bố trí vốn ngân sách Nhà nước tham gia thực hiện Dự án, Chính phủ quyết định chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện việc giao nhà đầu tư quyền khai thác tài sản công là thu giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương như đã chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ GTVT khuyến nghị.

Lộ trình 10 năm trắc trở

Tháng 5/2008), Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV thành lập để triển khai Dự án.

Tháng 11/2009, khởi công Dự án lần 1.

Tháng 2/2012, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do BIDV từ chối triển khai tiếp.

Tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư Dự án theo hình thức BOT, Nhà nước hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GTVT căn cứ tính cấp bách của Dự án để quyết định việc chỉ định nhà đầu tư. 

Tháng 2/2015, Bộ GTVT và Công ty đã ký tắt Hợp đồng dự án số 04/HĐ.BOT - với liên danh Công ty Tuấn Lộc (30%), Công ty Yên Khánh (30%), Công ty BMT (10%), Công ty Thắng Lợi (10%), Công ty Hoàng An (10%), Công ty cầu đường CII (10%).
Tháng 2/2015, Dự án được tái khởi động với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục