Thương vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Dấu hiệu bất thường

Bộ Giao thông - Vận tải vừa phải cậy nhờ các cơ quan tư pháp và Ngân hàng Nhà nước can thiệp trong vụ tranh chấp thực hiện hợp đồng bán quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh thu phí. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh thu phí.

Hy hữu 

Vụ tranh chấp liên quan đến thương vụ bán quyền thu phí tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giữa hai chủ thể của hợp đồng là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long), đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất Yên Khánh, nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) đang xuất hiện những diễn biến khá bất thường.

Cụ thể, vào giữa tuần trước, Bộ GTVT đã phát công văn hỏa tốc đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm rõ trách nhiệm của BIDV - Chi nhánh Thành Đô trong việc không thực hiện đúng cam kết thanh toán tiền cho Tổng công ty Cửu Long tại Thư bảo lãnh số 1513600014094 ngày 24/12/2013 và quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng.

Tại Công văn số 11778/BGTVT - TC được gửi đi vào ngày 16/10/2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhờ BIDV can thiệp để BIDV - Chi nhánh Thành Đô phong tỏa số tiền trong chứng thư bảo lãnh số 1513600014094 ngày 24/12/2013 và chi trả cho Tổng công ty Cửu Long toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền là 100,2 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước ngay sau khi Tòa án Nhân dân (TAND) quận Bình Thạnh TP.HCM thu hồi Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 21/2018/QĐ-BPKCTT ngày 21/8/2018.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, do hiện chỉ còn khoảng 3 tháng là kết thúc hợp đồng, nhưng việc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô không thực hiện đúng theo cam kết đã dẫn đến rủi ro rất lớn trong việc thu hồi đầy đủ và kịp thời tiền phạt Công ty Yên Khánh chậm thanh toán Hợp đồng số 4746/CIPM-HĐ ngày 30/12/2013 và có nguy cơ cao trong việc thất thoát kinh phí phải nộp Ngân sách Nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, cùng thời điểm này, Bộ GTVT cũng gửi Công văn số 11777/BGTVT - TC với nội dung tương tự, đề nghị TAND Tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét thận trọng vụ án và cho áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hỗ trợ Tổng công ty Cửu Long trong việc thu hồi đầy đủ tiền phạt do Công ty Yên Khánh chậm thanh toán giá trị hợp đồng để nộp Ngân sách Nhà nước.

Hiện chưa rõ quan điểm của TAND Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao với đề nghị này của Bộ GTVT, nhưng theo một chuyên gia, việc Bộ GTVT (một cơ quan quản lý nhà nước) đề nghị các cơ quan tư pháp can thiệp vào một vụ việc tranh chấp hợp đồng thương mại có thể tạo ra những tiền lệ xấu, dù mục tiêu đặt ra là ngăn chặn nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.

Việc Bộ GTVT đề nghị các cơ quan tư pháp can thiệp vào một vụ việc tranh chấp hợp đồng thương mại có thể tạo ra tiền lệ xấu.   

Trước đó, vào năm 2013, Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao ký kết và quản lý Hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Hợp đồng số 4746) trị giá 2.004,1 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 với bên mua (thông qua đấu giá) là Công ty Yên Khánh. 

Tại Hợp đồng số 4746, bằng Thư bảo lãnh số 1513600014094, BIDV - Chi nhánh Thành Đô nhận bảo lãnh hợp đồng cho Công ty Yên Khánh với số tiền là 100,2 tỷ đồng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, xử phạt vi phạm hợp đồng và các nghĩa vụ khác của bên B.

Trong thư bảo lãnh số 1513600014094, BIDV - Chi nhánh Thành Đô cam kết thanh toán không điều kiện, không hủy ngang cho Tổng công ty Cửu Long bất cứ khoản tiền nào trong giới hạn 100,2 tỷ đồng ngay khi nhận được văn bản của Tổng công ty Cửu Long thông báo Công ty Yên Khánh đã vi phạm hợp đồng trong thời hạn hiệu lực của Thư bảo lãnh, mà không cần bên bán phải chứng minh hoặc đưa ra các căn cứ của yêu cầu này.

Tranh chấp hợp đồng bắt đầu nảy sinh khi trong quá trình thực hiện, Công ty Yên Khánh bị bên bán phạt 264,736 tỷ đồng với lý do chậm thanh toán theo điều khoản hợp đồng.

Theo Hợp đồng số 4746, Công ty Yên Khánh phải nộp đủ số tiền bán quyền thu phí là 2.004,1 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong 3 đợt và kết thúc nộp đợt cuối vào tháng 10/2014, nhưng thực tế, Công ty Yên Khánh đã nộp thành 15 đợt và kết thúc đợt thanh toán cuối vào ngày 31/3/2017.

Căn cứ quy định hợp đồng và thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 30/7/2018, Tổng công ty Cửu Long đã gửi văn bản số 1910/CIPM-TCKT, yêu cầu  BIDV - Chi nhánh Thành Đô thanh toán toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền là 100,2 tỷ đồng, nhằm thu hồi số tiền phạt trên cho Ngân sách Nhà nước.

Tổng công ty Cửu Long cho rằng, theo quy định tại Điều 21, Thông tư số 07/2015/TT-NHNN, thì chậm nhất sau 5 ngày làm việc, Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết. Tuy nhiên, đã quá thời hạn nói trên, BIDV - Chi nhánh Thành Đô không thanh toán cho Tổng công ty Cửu Long theo đúng quy định. 

Ngoài khoản tiền 100,2 tỷ đồng bảo lãnh thực hiện hợp đồng, để thu hồi đủ số tiền phạt, Tổng công ty Cửu Long còn yêu cầu Yên Khánh bàn giao lại quyền thu phí 4 tháng còn lại. 

Thất bại

Điều đáng nói là cơ hội thu bảo lãnh của Tổng công ty Cửu Long bị vuột khỏi tầm tay khi ngày 17/8/2018, Công ty Yên Khánh bất ngờ khởi kiện bên bán ra tòa. Lý do là bên mua đã thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng số 4746 và không có bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng nào khác tính đến nay. 

Bên mua khẳng định, việc Tổng công ty Cửu Long ban hành văn bản gửi BIDV - Chi nhánh Thành Đô thanh toán khoản tiền bảo lãnh thực hiện Hợp đồng 4746 và yêu cầu bàn giao quyền thu phí 4 tháng còn lại của Hợp đồng là không có căn cứ, bởi lẽ, khoản tiền phạt hiện nay vẫn chưa được các bên thống nhất về cách tính theo các điều khoản của hợp đồng với mức áp dụng là 8% giá trị hợp đồng (theo Luật Thương mại) hay 150% lãi suất cơ bản theo năm do Ngân hàng Nhà nước công bố được dẫn chiếu theo Bộ luật Dân sự.

Ngày 21/8/2018, trên cơ sở xem xét đơn kiện của Công ty Yên Khánh, TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 21/2018/QĐ-BPKCTT yêu cầu: “Tổng công ty Cửu Long tạm ngưng cưỡng chế thu hồi số tiền bảo lãnh là 100,2 tỷ đồng của Công ty Yên Khánh nộp tại BIDV - Chi nhánh Thành Đô theo hợp đồng số 1513600014094 (474/TBL-BIDV.TĐ) cho đến khi có quyết định của Tòa án”.

TAND quận Bình Thạnh còn yêu cầu Tổng công ty Cửu Long không được có hành vi cản trở việc thu phí trên 4 trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương đối với Công ty Yên Khánh, theo hợp đồng các bên đã ký kết cho đến hết 00 giờ 00 phút ngày 1/1/2019.

Tổng công ty Cửu Long đã khiếu nại Chánh án TAND quận Bình Thạnh đề nghị thu hồi Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 21/2018/QĐ-BPKCTT ngày 21/8/2018, do quyết định này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu khoản tiền phạt nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Trái với kỳ vọng của Tổng công ty Cửu Long, ngày 6/9/2018, TAND quận Bình Thạnh có Thông báo số 1851/TB-TA thông báo sửa đổi nội dung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và không chấp nhận áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đơn yêu cầu số 2150/CIPM-QLXD ngày 27/8/2018 của Tổng công ty Cửu Long. 

Cụ thể, đối với yêu cầu BIDV - Chi nhánh Thành Đô thanh toán tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng, Tòa án thông báo đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô tạm giữ số tiền 100,2 tỷ đồng cho đến khi có quyết định khác của Tòa án, nên không chấp nhận áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.  

Đối với yêu cầu bàn giao lại quyền thu phí 4 tháng còn lại cho Tổng công ty Cửu Long, TAND quận Bình Thạnh cho rằng: “Các bên tranh chấp về tiền phạt chậm trả, không phải số tiền nợ gốc và số tiền thuế VAT mà nguyên đơn đã nộp ngoài hợp đồng” và cho rằng, việc buộc Công ty Yên Khánh bàn giao lại quyền thu phí “có thể dẫn đến tranh chấp giữa các bên, ảnh hưởng đến an toàn giao thông của tuyến đường”.

Bảo lưu quan điểm của bên bán, ông Phan Duy Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho rằng, việc Công ty Yên Khánh có biểu hiện “chây ỳ”, không những không chịu thanh toán yêu cầu, mà còn kiện Tổng công ty Cửu Long ra tòa án và yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp, gây khó khăn cho quá trình thu hồi tiền phạt nộp Ngân sách Nhà nước.

Theo các chuyên gia, mục tiêu lớn nhất của việc bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương chính là việc Nhà nước thu về ngay một khoản tiền lớn để có kinh phí đầu tư cho các dự án hạ tầng khác. Song, việc bên mua thanh toán “lai rai” đến tận tháng 3/2017, đồng thời bị rơi vào cuộc tranh chấp hợp đồng thương mại rất phức tạp, kéo dài, có thể coi là thất bại toàn diện của bên bán trong thương vụ bán quyền thu phí này.   

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục