Trước thời Thông tư 20/2011/TT-BCT
Những người quan tâm tới thị trường ô tô đều chưa quên việc buôn bán, kinh doanh ô tô theo kiểu trăm hoa đua nở trước thời điểm Thông tư 20/2011/TT-BCT ra đời vào năm 2011. Chưa có một số liệu thống kê chính xác, nhưng theo các doanh nghiệp ô tô, ước tính có khoảng 700 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô vào thời điểm năm 2008.
Đua nhau kinh doanh ô tô nhập khẩu khiến các doanh nghiệp thương mại tìm tới những đại lý bán ô tô tại nước ngoài của các thương hiệu lớn để kiếm nguồn hàng.
“Không thể có chuyện doanh nghiệp Việt Nam tìm đến một đại lý bán ô tô cấp 1 (bán buôn) ở nước ngoài mua được số lượng lớn để mang về Việt Nam bán, bởi các thương hiệu có sự phân chia và giám sát thị trường, khu vực rất rõ ràng. Vì thế, các doanh nghiệp thương mại không chính hãng chỉ có thể mua ô tô từ các đại lý cấp 2 ở nước ngoài với giá cao. Nếu đàng hoàng khai giá này để làm thủ tục thuế khi nhập khẩu vào Việt Nam thì số thuế phải nộp rất cao và khó lòng cạnh tranh được với các doanh nghiệp bán hàng chính hãng ngay tại thị trường Việt Nam”, một doanh nghiệp đang tham gia thị trường ô tô nhận xét. Theo doanh nghiệp này, muốn có lãi, các doanh nghiệp thương mại phải làm hợp đồng giá thấp hơn giá mua thực tế để được tính thuế thấp, giảm được chi phí giúp giá bán mềm hơn.
"Không thể có chuyện doanh nghiệp Việt Nam tìm đến một đại lý bán ô tô cấp 1 ở nước ngoài mua được số lượng lớn để mang về Việt Nam bán, bởi các thương hiệu có sự phân chia và giám sát thị trường, khu vực rất rõ ràng"
- Đại diện một doanh nghiệp đang tham gia thị trường ô tô.
Điều này cũng khiến các doanh nghiệp thương mại phải tìm cách chuyển lậu ngoại tệ ra nước ngoài để trả tiền xe như đã mua, thay vì chuyển đúng số tiền như trên hợp đồng.
Bán xe giá thấp hơn chính hãng để giải phóng hàng đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua, nhưng đổi lại, các chương trình hậu mãi sau đó người tiêu dùng phải tự lo. Bởi vậy, nếu có các sản phẩm ô tô gặp phải chương trình triệu hồi sản phẩm của hãng ở nước bán hàng, thì các ô tô được đưa về Việt Nam cũng không có cơ hội tham gia.
“Mặc dù bớt được nhiều chi phí sửa chữa bởi không cần liên quan đến hãng, nhưng thực tế, điều này rất nguy hiểm vì ô tô là một phương tiện lưu thông trên đường, liên quan đến tính mạng và an toàn của nhiều người. Dẫu vậy, nhiều người Việt Nam vì ham rẻ đã chấp nhận những rủi ro đó”, doanh nghiệp ô tô nói trên nhận xét.
Viễn cảnh bị kiện
Ông Trần Tấn Trung, Giám đốc Công ty Liên Á, đơn vị phân phối xe Audi chính hãng cho hay, nếu chiếu theo quy định hiện hành về đăng kiểm ô tô, các doanh nghiệp không chính hãng sẽ rất khó để nhận được giấy đăng kiểm cho xe ô tô nhập khẩu thương mại về để bán đại trà.
Hiện tại, để được thông quan xe, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận chủng loại, kiểu loại xe do cơ quan đăng kiểm cấp. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nếu có hồ sơ đăng kiểm được nhà sản xuất, sở hữu thương hiệu đăng ký tại cơ quan chức năng ở nước ngoài, thì cơ quan đăng kiểm tại Việt Nam sẽ công nhận luôn. Còn nếu không có hồ sơ, thì bắt buộc doanh nghiệp phải kiểm tra thử nghiệm an toàn và khí thải theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng từng khuyến nghị: “Doanh nghiệp nhập khẩu cần phối hợp với nhà sản xuất ở nước ngoài để chuẩn bị hồ sơ theo quy định của Việt Nam và khai trước khi xe về thì việc đăng kiểm sẽ rất nhanh”.
Theo ông Trung, các đại lý bán xe ở nước ngoài không được phép cung cấp các hồ sơ đăng kiểm đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài cấp cho mẫu xe đó để doanh nghiệp thương mại Việt Nam mang về Việt Nam đăng ký hợp chuẩn. Quyền cấp hồ sơ kỹ thuật xe thuộc về nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu thương hiệu. Nếu các doanh nghiệp thương mại nghĩ có thể mua xe và tự mang xe đến lấy mẫu thử nghiệm thì cũng không thể có hồ sơ kỹ thuật xe được hãng cấp để hoàn tất thủ tục đăng kiểm.
Ở khâu bán hàng, “nếu trưng biển của bất cứ thương hiệu nào lên, doanh nghiệp không được hãng chỉ định sẽ phải đối mặt với việc xâm phạm sở hữu trí tuệ. Đó là chưa kể, các dòng xe được nhập khẩu thương mại từ nước ngoài đem về bán ở Việt Nam cũng đối diện với việc kiện về vi phạm tem nhãn và địa bàn sử dụng hàng hóa của chủ sở hữu nhãn hiệu”, ông Trung nhận xét và cho biết thêm, khi phải tiến hành bảo trì bảo dưỡng nhiều loại xe cao cấp cần có các thiết bị, phầm mềm chẩn đoán kỹ thuật xe để hiện thị thông số tình trạng xe. Nhưng các thiết bị, phần mềm này cũng thuộc bản quyền của hãng và người dùng phải được sự cho phép, nếu không muốn bị kiện về sở hữu trí tuệ.
“Hiện các doanh nghiệp bán xe mới, nhưng là loại xe được nhập khẩu theo diện quà biếu tặng - nghĩa là phi mậu dịch, nên các hãng chưa động tới thôi”, một doanh nghiệp ô tô nhận xét.
Ngoài ra, theo phân tích của một chuyên gia ô tô, với việc Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và cách tính thuế mới, ô tô khi nhập khẩu chỉ mới tạm tính thuế, còn khi bán hàng xong mới quyết toán thuế chi tiết. Mức giá tạm tính khi đóng thuế thông quan có thể thấp hơn rất nhiều so với mức thuế chi tiết được tính lại khi bán hàng xong và thường tới kỳ mới thống kê để doanh nghiệp nộp bổ sung. Như vậy, không ít doanh nghiệp thương mại có thể phải đối mặt với những con số truy thu rất lớn. Họ có thể phá sản, hoặc bỏ trốn để trở thành công ty ma nhằm trốn việc đóng thuế này. Hệ quả là, quyền lợi của người tiêu dùng khi mua xe sẽ không được đảm bảo, Nhà nước thất thu thuế và các công ty được chỉ định chính hãng đóng thuế theo quy định bị cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, nếu xe của các công ty không chính hãng kinh doanh bị triệu hồi ở nước ngoài, các chủ xe này tại Việt Nam sẽ không được đảm bảo quyền lợi của mình. “Chúng tôi đầu tư để bảo dưỡng, bảo hành cho những xe mình bán ra mà thôi”, ông Trung khẳng định.
Được biết các doanh nghiệp chính hãng nhập khẩu xe thương hiệu như Audi, Porsche… đã ký thỏa thuận với Tổng cục Hải quan về cung cấp giá xuất xưởng chính hãng của xe và phụ kiện theo tháng, quý, làm cơ sở cho ngành hải quan so sánh với giá khai của doanh nghiệp, góp phần chống thất thu ngân sách.