Cuộc tranh cãi xung quanh việc nên bỏ hay giữ Thông tư 20 giữa các doanh nghiệp kinh doanh xe hơi trong nước và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng - phần lớn thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - dường như đang ngày càng trở nên quyết liệt. Song Bộ Công thương, cơ quan ban hành Thông tư 20, cho đến giờ này vẫn chưa có động tĩnh gì về việc sẽ xóa bỏ các quy định được cho là bất cập, nhằm lấp khoảng trống pháp lý hướng dẫn hoạt động nhập khẩu xe hơi sau ngày 1/7.
Kẻ cười người khóc
Sau hơn 5 năm đưa vào triển khai thực hiện, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam đã “góp công” lớn trong việc phân định rõ miếng bánh thị trường ô tô và chia các DN trong lĩnh vực này thành 2 “chiến tuyến” rõ rệt. Một bên là các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng, chủ yếu là các DN lớn hùng mạnh thuộc VAMA, Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ôtô (VIVA), với thị phần gần như chiếm trọn toàn bộ thị trường mặt hàng xe nhập khẩu, bên còn lại là các DN trong nước kinh doanh nhập khẩu xe hơi không chính hãng đang ngày càng chết mòn cả về quy mô lẫn số lượng.
Theo thống kê, số lượng DN kinh doanh nhập khẩu ôtô đã sụt giảm thê thảm từ 200 DN trước khi có Thông tư 20 xuống còn khoảng 20 DN cầm cự được cho đến nay. Nhiều DN trong số này trước đây có quy mô rất lớn, song giờ đã teo tóp lại thành những DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động lay lắt.
Lý do theo các DN này, là vì Thông tư 20 do Bộ Công thương ban hành đã đưa ra những quy định gây khó cho DN trong nước, hạn chế và gần như bóp nghẹt không cho họ được tham gia vào thị trường này.
Thông tư 20, tội đồ hay công trạng?
Với những quy định khó có thể nói là hoàn toàn đảm bảo mục đích quản lý nhà nước và mang lại nhiều tranh cãi về sự tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, Thông tư 20 đã tạo ra những mâu thuẫn lớn trong quan điểm tiếp cận thị trường và kinh doanh của các DN.
Theo đánh giá của VAMA, Thông tư 20 là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. VAMA cho rằng, Thông tư 20 đã góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế thị trường ô tô nhập khẩu không chính thức, từ đó thu hút các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Chưa kể, nhờ lập lại trật tự thị trường, Chính phủ đã đảm bảo thu được nguồn thuế lớn hơn từ các DN nhập khẩu chính hãng, thay vì bị thất thu thuế từ các DN nhập khẩu tự do, chủ yếu dựa vào thị trường ô tô nhập khẩu không chính hãng.
Ngoài ra, thông tư này cũng giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng chính hãng, phụ tùng chính hãng…
Tuy nhiên, các DN nhập khẩu ô tô tự do có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Theo các DN này, việc Thông tư 20 yêu cầu phải có Giấy chỉ định, Giấy ủy quyền của chính hãng sản xuất xe, các loại giấy chứng nhận “chính hãng” cho các tiêu chí điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng… đã tạo ra những rào cản, không cho họ cơ hội tham gia thị trường nhập khẩu xe hơi. Đồng thời, những quy định kiểu này cũng đã tạo ra những lợi thế độc quyền cho các DN nhập khẩu xe chính hãng, một mình một sân không có kẻ cạnh tranh, làm méo mó thị trường.
“Các DN trong nước được nhập khẩu từ năm 2006, với khoảng 200 DN nhập khẩu các loại xe từ Kia, Hyundai, Daewoo cho đến Nissan, Honda Toyota. Đến năm 2011, sau 5 năm các DN làm thị trường, tiếp thị, quảng cáo… thì Thông tư 20 ra đời khiến các DN chúng tôi không nhập khẩu được nữa, chỉ có các hãng là ung dung đặt đại lý của mình vào Việt Nam và bán sản phẩm mà không mất một đồng nào làm thị trường. Vậy thử hỏi Thông tư 20 làm lợi cho DN trong nước hay cho DN nước ngoài?”, một DN ô tô trong nước bức xúc bày tỏ.
Khi cơn bức xúc lên tới đỉnh điểm
Ngày 21/7 vừa qua, các DN kinh doanh ô tô trong nước càng bức xúc hơn khi không được phép tiếp cận cuộc họp giữa Bộ Công thương với các cơ quan liên quan đến việc định đoạt số phận Thông tư 20. Đã có hàng loạt lời đề xuất, kêu cứu từ các DN trong nước liên tục được được gửi tới Bộ Công thương và cấp cao hơn.
Thậm chí, không chỉ riêng các DN mà ngay cả các cơ quan nhà nước cũng đang thúc giục Bộ Công thương cần có những động thái quyết định rõ ràng về số phận thông tư này để đảm bảo tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời tránh tạo khoảng trống pháp lý sau thời hạn 1/7, gây ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục pháp lý cho hoạt động nhập khẩu mặt hàng ô tô.
Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các quy định tại Thông tư 20 cần được coi là một hình thức của điều kiện kinh doanh bởi đưa ra các quy định, điều kiện đòi hỏi DN phải đáp ứng mới được tham gia thị trường. Cũng theo quan điểm của VCCI, các yêu cầu phải có giấy ủy quyền chính hãng, đòi hỏi chứng nhận về điều kiện cơ sở bảo dưỡng có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có giấy ủy quyền. Như vậy, các quy định này chỉ tạo điều kiện cho các “ông lớn” tham gia thị trường.
“Một DN lớn như ô tô Trường Hải cũng xuất phát từ một doanh nghiệp nhập khẩu xe. Có những DN nhỏ làm ăn gian dối, nhưng không thể vì thế mà chỉ dành thị trường cho các DN lớn”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhận xét. Theo VCCI, các quy định này là không còn phù hợp với yêu cầu tại Điều 7 Luật Đầu tư về loại văn bản được phép quy định về điều kiện kinh doanh, do đó cần hoàn toàn bãi bỏ.
Không thể đi ngược quy luật thị trường
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông
Bỏ Thông tư 20 là cần thiết để cải cách môi trường kinh doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc
Bên cạnh đó, giá xe từ khi các hãng độc quyền nhờ có Thông tư 20 đã tăng dần đều vì người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác, trong khi do việc triệu hồi xe để sửa chữa phần lớn vẫn thuộc về các nhà nhập khẩu chính hãng chứ không phải là các DN nhập khẩu trong nước trước đó.
Như vậy, thông tư này gần như không hề bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo các mục tiêu quản lý nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô đã đặt ra, mà ngược lại hầu như tạo lợi thế độc quyền cho các nhà nhập khẩu chính hãng, khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi do không có có sự lựa chọn về giá cả và dịch vụ.