Ngày 1/7/2016 là thời điểm thực hiện yêu cầu của Chính phủ trong việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý quy định tại các thông tư, theo tinh thần cải cách thể chế của Luật Đầu tư.
Theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, việc nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi chở xuống không thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngày 30/7 là thời hạn Bộ Công thương phải báo cáo Chính phủ về việc xử lý Thông tư 20, song bộ này đến giờ mới tổ chức cuộc họp kín lấy ý kiến về Thông tư 20 vào ngày 21/7, khiến hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi bức xúc. Kết thúc cuộc họp, kết luận được đưa ra là do còn nhiều lập luận khác nhau và các quan điểm tranh cãi vẫn chưa đi đến hồi kết, nên Bộ tập hợp ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa ra quyết định cuối cùng sau ngày 30/7.
Động thái trên của Bộ Công thương khiến dư luận đặt câu hỏi về quan điểm cũng như vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, được giao trọng trách là cơ quan quản lý cạnh tranh, có trách nhiệm kiểm soát độc quyền và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho thị trường. Những nguy cơ mà một nhóm doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng cũng như Bộ Công thương lo ngại khi bỏ Thông tư 20 như tạo kẽ hở cho gian lận thuế, người tiêu dùng không được dùng hàng chính hãng, không đảm bảo chất lượng phụ tùng linh kiện… đã được rất nhiều chuyên gia, thậm chí là các cơ quan nhà nước chỉ ra là bất hợp lý và suy diễn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Thông tư 20 quy định doanh nghiệp nhập khẩu xe phải là chính hãng, hoặc được ủy quyền mới được quyền kinh doanh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa sản xuất, lắp ráp xe ôtô vừa là nhà nhập khẩu, từ đó làm giảm tính cạnh tranh, tạo ra độc quyền giá.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra các quy định tại Thông tư 20 chính là điều kiện kinh doanh phản cạnh tranh, thậm chí là vi hiến, đi ngược lại tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh của Luật Doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp sau khi thẩm định Thông tư 20 đã chỉ rõ, nội dung văn bản này vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đăng Huy Đông nhấn mạnh, Nhà nước không thể can thiệp làm méo mó thị trường, Nhà nước không thể lo hộ và làm thay thị trường. Quyền lựa chọn sản phẩm thuộc về người mua, quyền lựa chọn đại lý là của nhà nhà sản xuất.
Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã lên tiếng đề nghị bãi bỏ Thông tư 20 vì không có mục tiêu quản lý nhà nước, trong khi can thiệp hành chính vô lý vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Mục đích của Thông tư 20 không phải là kiểm soát nhằm giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý thị trường xe nhập khẩu được nêu ra trong Thông tư, mà ngược lại, thể hiện sự thiên vị đối với một nhóm doanh nghiệp muốn duy trì sự độc quyền và phản cạnh tranh trên thị trường.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, một văn bản đã lỗi thời, vừa vi hiến, vừa phản cạnh tranh như vậy thì không có lý do gì để dùng dằng níu giữ, vừa hại cho doanh nghiệp nhỏ vốn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, vừa thiệt cho người tiêu dùng.
Sự níu kéo Thông tư 20 cho thấy, đang có những thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ và bộ máy quản lý nhà nước trong việc thực thi tư duy “chọn bỏ” (những gì cấm thì ghi vào trong luật, doanh nghiệp và người dân được quyền làm những gì luật không cấm) và cao hơn là nỗ lực hướng tới tạo dựng một mô hình Chính phủ xây dựng và kiến tạo, vì dân và doanh nghiệp phục vụ. Về nguyên tắc, tất cả các bộ, ngành đều phải nỗ lực thực hiện mục tiêu chung này. Song một số bộ, ngành đang có tư tưởng, nếp nghĩ, cách làm bảo thủ, trì trệ, đi ngược lại tinh thần phục vụ kiến tạo mà Chính phủ đang hướng tới.
Để vượt qua thách thức trên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, không còn cách nào khác là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương thực thi của bộ máy công chức và cơ quan bộ, ngành, cùng với quyết tâm phải làm và sự chỉ đạo cương quyết, sát sao của Chính phủ để thúc đẩy quá trình thực thi.