Tại cuộc họp toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư vừa diễn ra, một lần nữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải lên tiếng “nhắc nhở” các bộ, ngành và địa phương cần chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh. Bởi trên thực tế, các giấy phép con trá hình và điều kiện kinh doanh ẩn mình vẫn tiếp tục xuất hiện dưới dạng các loại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định chuyên ngành…
Môi trường kinh doanh đã “dễ thở” hơn
Không thể phủ nhận một thực tế với 3.000 điều kiện kinh doanh sai luật bị xóa sổ hoàn toàn từ 1/7/2016 đã mang lại một môi trường kinh doanh dễ thở hơn cho các DN. Mặc dù còn cần một khoảng thời gian đủ dài mới có thể thực sự đánh giá một cách chính xác sự biến chuyển tích cực của môi trường kinh doanh sau khi hàng loạt các điều kiện kinh doanh hành DN bị xóa bỏ, song theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, điều này đã thể hiện những thành công bước đầu trong cuộc chiến trường kỳ với giấy phép con và tư duy bảo thủ của các bộ, ngành.
Cánh cửa chính đối với các loại điều kiện kinh doanh đã thực sự đóng lại, song vẫn chưa được khép chặt hoàn toàn bởi nhiều loại quy định chuyên ngành, quy chuẩn, tiêu chuẩn giờ dường như lại đang trở thành “phao cứu sinh” cho một số bộ, ngành bấu víu để tiếp tục duy trì và thậm chí là tiếp tục ban hành các loại điều kiện kinh doanh “ẩn mình”.
Việc xóa bỏ được các loại điều kiện kinh doanh theo tư duy áp dụng quy chuẩn bó cứng hay các quy định theo kiểu rất chung chung không rõ ràng, có thể suy diễn theo nhiều cách, đã giúp cởi trói rất nhiều cho DN.
“Những điều kiện theo kiểu ngồi phòng lạnh ban hành làm khó rất nhiều DN do tạo ra sự độc quyền vô lý cho những DN khác, từ đó, triệt tiêu sức sáng tạo, hạn chế quyền kinh doanh của DN, đi ngược lại quy luật thị trường. Mặt khác, các quy định kiểu này luôn là mảnh đất màu mỡ cho nhũng nhiễu, cho các hành vi tiêu cực. Xóa bỏ được các quy định này không những giúp DN dễ thở hơn mà quan trọng là tạo sự chuyển biến trong tư duy của cơ quan nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, sáng tạo, cạnh tranh của DN và đảm bảo thực thi đúng tinh thần của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã ban hành”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Cuộc chiến” mới chỉ bắt đầu
Rất nhiều nỗ lực đấu tranh từ cộng đồng DN và các cơ quan có tâm huyết để ban hành kịp các nghị định hướng dẫn và xóa bỏ hàng nghìn các điều kiện kinh doanh không cần thiết đúng thời hạn 1/7 đã được đưa ra, song theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cuộc chiến với vấn nạn giấy phép con mới chỉ bắt đầu.
Cánh cửa chính đối với các loại điều kiện kinh doanh đã thực sự đóng lại, song vẫn chưa được khép chặt hoàn toàn bởi nhiều loại quy định chuyên ngành, quy chuẩn, tiêu chuẩn giờ dường như lại đang trở thành “phao cứu sinh” cho một số bộ, ngành bấu víu để tiếp tục duy trì và thậm chí là tiếp tục ban hành các loại điều kiện kinh doanh “ẩn mình”.
Một loạt các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không có mục đích quản lý nhà nước rõ ràng, gây khó khăn, tốn kém cho DN và hạn chế cạnh tranh của DN được quy định tại các văn bản hướng dẫn của một số bộ gần đây lại tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư “nhắc nhở”. Không chỉ có vậy, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phải gửi công văn tới 14 bộ, ngành được giao nhiệm vụ rà soát các điều kiện kinh doanh để giải thích sự khác biệt giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Đáng chú ý là các quy định tại các văn bản hướng dẫn đã bị nhiều DN phản ứng mạnh của Bộ Công thương như Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, hay như Thông tư số 03/2016/TT-BCT ngày 10/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 19 về kinh doanh khí và Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh gas đến giờ này vẫn tồn tại và chưa có “động tĩnh” gì về việc rà soát xóa bỏ.
Liên quan đến sự chậm trễ này, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản thúc Bộ Công thương sớm trả lời về tính hiệu lực của Thông tư 20 để có cơ sở hướng dẫn hải quan các địa phương thống nhất thực hiện chính sách hải quan cho các DN nhập khẩu ô tô từ tháng 7/2016.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về việc này, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cho rằng, đã đến lúc cần trả các quy định về đúng vai trò và trật tự trong nền kinh tế thị trường, thay vì cứ để tồn tại để tiếp tục phục vụ lợi ích nhóm của một số cá nhân, tổ chức.
“Trong một giai đoạn nhất định thì Thông tư 20 là hợp lý để cơ quan nhà nước kiểm soát lạm phát. Song khi kinh tế đã ổn định trở lại, cần trả các quy định này về đúng vai trò trong nền kinh tế thị trường, giúp DN cạnh tranh lành mạnh. Không nên để một số lợi ích nhóm tát nước theo mưa, cố tình kéo dài đến khi thay đổi thì DN trong nước cũng không còn sống được nữa”, ông Tuấn phát biểu.