Tiến gần hơn đến nâng hạng thị trường
Theo kết quả phân loại thị trường định kỳ công bố vào ngày tháng 6 năm nay, tổ chức MSCI vẫn chưa thêm Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (Emerging market). Tuy nhiên, điểm tích cực là MSCI đánh giá Việt Nam đã có cải thiện trong xếp hạng tiêu chí Khả năng chuyển nhượng, nhờ vào việc tăng cường các giao dịch ngoài sàn và giao dịch hiện vật theo các thay đổi về quy định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang tích cực giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận, như giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu thanh toán trước và thiếu thông tin thị trường bằng tiếng Anh.
Số liệu ước tính mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong trường hợp được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế, cả đầu tư chủ động lẫn đầu tư thụ động tới năm 2030. Dòng vốn mới này kỳ vọng sẽ cải thiện cả về quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như câu chuyện nâng hạng từ các thị trường chứng khoán khác.
Theo thống kê trong giai đoạn 2010 - 2020, hầu hết thị trường chứng khoán các nước đều tăng điểm mạnh mẽ trong vòng một năm kể từ khi được MSCI công bố nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Chẳng hạn, tháng 6/2013, thị trường chứng khoán Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Qatar ghi nhận mức tăng lần lượt là 39% và 51% trong vòng 1 năm kể từ khi được nâng hạng. Thị trường chứng khoán Pakistan được MSCI công bố nâng hạng từ tháng 6/2016 và trong vòng một năm sau đó cũng ghi nhận mức tăng 39%. Chỉ số Tadawul All share của Ả rập Saudi đã tăng 14% trong vòng 1 năm kể từ khi nâng hạng vào tháng 6/2018. Duy nhất có thị trường Kuwait giảm 7,6% sau khi nâng hạng thành công, chủ yếu do Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Nhìn từ câu chuyện nâng hạng của Kuwait cho thấy, cho dù thời điểm nâng hạng bị các yếu tố bất ngờ chi phối trong ngắn hạn, song nhìn về dài hạn thì các yếu tố tích cực vẫn còn nguyên vẹn. Trong 3 năm sau khi được công bố nâng hạng, thị trường chứng khoán Kuwait tăng 39%, định giá của thị trường cũng thay đổi khi trung bình P/E trước khi được công bố nâng hạng (giai đoạn 2015 - 2019) là 12,5 lần, trung bình P/E sau khi được công bố nâng hạng (từ năm 2020 đến nay) đạt 15,7 lần, tăng 26%.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) |
Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ
VN-Index kết thúc tháng 6 tại ngưỡng 1.250 điểm, tăng 10,2% so với đầu năm và nằm trong nhóm thị trường có diễn biến tốt nhất trong khu vực. Đà tăng mạnh mẽ của thị trường đang đặt ra câu hỏi cho các nhà đầu tư rằng thị trường đã đạt đỉnh điểm hay chưa. Song, tôi cho rằng, vẫn còn có nhiều động lực tích cực thúc đẩy sự đi lên của thị trường trong thời gian tới.
Thứ nhất, chúng ta đang tiến gần hơn đến thời điểm mà các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách tiền tệ từ chặt chẽ sang nới lỏng. Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nền kinh tế toàn cầu thứ hai (sau Canada) cắt giảm lãi suất cho vay vào tháng 6, từ mức cao kỷ lục 4%/năm xuống còn 3,75%. Mặc dù có nhiều tranh luận về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, song nhiều dự báo nghiêng về hướng sẽ có hai lần giảm, đưa lãi suất xuống 5%/năm vào cuối năm 2024. Việc các nền kinh tế lớn giảm lãi suất sẽ có lợi cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, do dòng vốn sẽ dịch chuyển về các nhóm thị trường này nhằm tìm kiếm mức độ sinh lời tốt hơn.
MBS ước tính, các nhóm ngành dự kiến tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2024: ngân hàng (tăng 20%), bán lẻ (tăng 204%), vật liệu xây dựng (tăng 56%) và điện (tăng 25%).
Thứ hai, bối cảnh vĩ mô tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý II/2024 đã đạt mức 6,9%, vượt xa hầu hết các dự báo trước đây (chỉ ở trong khoảng 6,0 - 6,5%), đồng thời cao hơn so với mức 5,87% của quý I. Đây cũng là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ quý III/2022, thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ và sự phục hồi của ngành sản xuất. Kết quả kinh tế đáng ngạc nhiên trong quý II/2024 khiến MBS nâng dự báo GDP năm 2024 lên 6,5% từ mức 6,3% trước đó. Chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III, IV, với mức tăng lần lượt 6,6% và 6,5% so với cùng kỳ, nhờ xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa cải thiện và giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn.
Thứ ba, sự phục hồi trong triển vọng kinh tế tổng quan sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. MBS ước tính, tăng trưởng lợi nhuận của thị trường lần lượt là 20% và 15% trong hai năm 2024 và 2025. Trong năm 2024, sau mức tăng khiêm tốn chỉ 5,3% trong quý I, lợi nhuận ròng của thị trường ước tăng 9,5% trong quý II, 33,1% trong quý III và 21,9% trong quý IV. Các nhóm ngành dự kiến tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2024 bao gồm: ngân hàng (tăng 20% so với cùng kỳ), bán lẻ (tăng 204%), vật liệu xây dựng (tăng 56%) và điện (tăng 25%). Trong năm 2025, tăng trưởng lợi nhuận thị trường có thể giảm xuống 15% nhưng sẽ được hỗ trợ bởi ngành ngân hàng (tăng 23% so với cùng kỳ), vật liệu xây dựng (tăng 33%), khu công nghiệp (tăng 26%) và điện (tăng 28%).
Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục tăng về mức 1.350 - 1.380 điểm vào cuối năm 2024, được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong tăng trưởng lợi nhuận thị trường, môi trường lãi suất thấp và sự tin tưởng mạnh mẽ vào việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, rủi ro cũng đang dần tăng lên. Mặc dù áp lực lên VND có thể giảm bớt trong nửa cuối năm 2024 do lập trường bớt cứng rắn của Fed vào khoảng quý III năm nay nhưng sức mạnh của DXY (chỉ số đô la Mỹ) dự kiến sẽ duy trì trong suốt cả năm. Cùng với nhu cầu USD tăng cao cho các hoạt động xuất khẩu, chúng tôi vẫn thấy áp lực tỷ giá là rủi ro hàng đầu. Điều này sẽ làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.
Chúng tôi dự báo chỉ số CPI có thể tăng trong nửa cuối năm, đẩy CPI trung bình năm 2024 lên 4,3%, gần với mục tiêu của Chính phủ. Bất kỳ rủi ro nào đối với lạm phát đều có thể khiến Ngân hàng Nhà nước chuyển hướng ưu tiên sang kiểm soát lạm phát hơn là kích thích kinh tế. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam kéo dài cũng sẽ gây áp lực lên thị trường.