Chứng khoán tuổi 24!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  24 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam như một sân ga, đón bao người đến và đi, trong đó VN-Index giống con tàu thám hiểm với những đoạn đường khi lên dốc, lúc xuống đèo, mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho các “chứng sĩ”.
Chứng trường Việt dần lớn, các chứng sĩ theo đó trưởng thành hơn Chứng trường Việt dần lớn, các chứng sĩ theo đó trưởng thành hơn

Ai rồi cũng chơi chứng (khoán) cả thôi!

“Có người đến, có người đi và có người ở lại

Có lúc khôn và cũng có lần nhỡ dại

Có lúc tủi, có lúc vinh và có lúc thăng hoa

Có ngày cười, có ngày khóc và có ngày hoan ca”

(Mười năm - Đen Vâu)

Một chiều tháng 7/2024, khi cái oi nồng của mùa hè bị cắt ngang bởi cơn mưa không hẹn trước, tôi vô tình va phải những lời hát đầy ám ảnh của Đen Vâu. Duyên cớ cho bài viết này đến tự nhiên như thế.

Không biết bạn đọc có như tôi, thấy từng câu chữ của bài rap như vận vào phận đời chứng sĩ. Ngần ấy năm, bao người đến, đi. Có người thoảng qua như một cơn gió và vội vã rời xa mà chẳng hề ngoái đầu nhìn lại. Có kẻ lưu luyến, chia tay rồi trở lại chứng trường như gặp cố nhân…

Mỗi người, mỗi cảnh, mỗi câu chuyện riêng, nhưng dường như bảng điện luôn hằn trong mỗi người những hoài cảm riêng: vui có, buồn không ít, cả những nỗi đau rất thật khi lỡ sa chân vào môn đuổi hình bắt chữ.

Giác quan đầu tư rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là không được sợ hãi, cũng không được liều lĩnh.

So với bạn bè, tôi thấy mình thực may. May vì tôi vốn chẳng ưa gì chứng khoán. Nhưng như một câu nói đùa của đám bạn: “Ai rồi cũng chơi chứng (khoán) cả thôi”. Tôi cũng mon men và quăng thân vào gió bụi thị trường một cách tự nhiên, như kiểu: trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng ấy.

Lại lan man rồi, văn tôi cứ loằng ngoằng dây muống, mong bạn đọc đừng chê. Giờ quay về chuyện chính. Cái sự may của tôi, nói vậy thôi nhưng đó cũng là do tôi đã chọn từ đầu. Tôi đến với chứng khoán như một trải nghiệm cần có trong đời, cũng thích lợi nhuận nhưng lại không đặt nặng chuyện ăn bằng lần. Khát khao nhỏ nhoi là có một danh mục lãi cao hơn gửi ngân hàng. Chính điều này đã khiến tôi khá bình tĩnh trước những lần thị trường dậy sóng.

Có thể bạn đọc chẳng tin, nhưng đến nay, chắc cũng 2 năm, tôi chưa một lần giao dịch.

“Nói phét!”.

Hôm rồi, nghe tôi nói vậy, anh bạn tôi vội vã thốt lên. Bởi với một kẻ hay ngứa tay ngứa chân như hắn, một tuần không “đi chợ” đã là chuyện lạ, nói gì bằng tháng, bằng năm. Nhưng đó là thật. Bởi tôi hiện vẫn âm mấy chục phần trăm trong tài khoản khi trót đu đỉnh từ độ Covid-19. May thay, tôi chơi bằng tiền dành dụm, chẳng vay mượn ai, nhà chưa có việc gì lớn, nên cái áp lực với tôi cũng không nặng nề cho lắm.

Thế rồi, tự dưng tôi lại đi ngắm nhìn thiên hạ xung quanh. Những lần VN-Index đỏ lửa, bay mấy chục điểm, anh em người than vắn, kẻ thở dài, số ít coi đó là cơ hội. Có điều, sau nhiều lần tổn thương, bầm dập, chứng sĩ ngày nay bản lĩnh hơn nhiều.

Nhìn vào mấy anh bạn tôi thì biết. Nếu dăm bảy năm trước, bị những pha “thị trưởng ‘vả’ cho tỉnh ngủ”, mấy tay này phản ứng dữ lắm. Kẻ trầm mặc đúng kiểu vừa mất của, kẻ cay cú, buông miệng chửi thề… Nhưng nay, có những lần họ điềm tĩnh đến lạ.

“Xuống mãi rồi cũng phải lên”, họ tự nhủ và động viên nhau, trong đó tôi cũng được hưởng lây một tí.

Ngần ấy năm hình thành thị trường, bao lớp người lại qua, chứng trường Việt dần lớn, các chứng sĩ theo đó trưởng thành hơn, đề kháng, tự vệ tốt hơn với các lần địa chấn.

Còn nhớ, cách đây chỉ vài năm thôi, trước một tin đồn, nhiều anh em bạn bè cũng hoảng loạn ra trò, rồi mất hàng, rồi cay đắng… Nhưng càng gần đây, khi tin đồn ngày thêm nở rộ, trải nghiệm nhiều, công phu hàm dưỡng của anh em, bạn hữu lại tăng thêm một bậc.

Có thể nói, bây giờ cái gì cũng có trên mạng, thông tin đa chiều, tốt xấu đan xen, người ta có thể tìm thấy mọi thứ và cũng rất nhanh thôi, người ta có thể cơ bản kiểm tra và xác thực. Do đó, tác động của tin đồn vẫn còn, nhưng không quá lớn như xưa. Hay nói cách khác, tin đồn là con ngáo ộp doạ những người yếu vía, còn với người từng trải, nó chỉ như cơn gió nhẹ.

Nhiều lần trò chuyện cùng các chuyên gia, hoặc những nhà đầu tư gạo cội, nhận xét chung được đưa ra là thị trường ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư chuyên nghiệp, coi chứng khoán thực là một nghề. Thậm chí, không ít người từ tay ngang, đầu tư kiểu làm thêm đã chuyển hẳn sang làm nghề chính, một lòng một dạ với chứng khoán.

Người thân cần đồng cảm

Tôi từng nghe kể rằng, có anh thậm thò thụt két, giấu vợ mở tài khoản, rồi thua trắng vì non kinh nghiệm, kém giờ bay. Ấy vậy mà đúng như câu nói “Ngã ở đâu đứng lên ở đó”, người này bỏ thời gian, công sức tầm sư học đạo và rồi vượt lên nghịch cảnh. Giờ đây, khi chứng khoán thành một mảng miếng kiếm tiền, anh này chẳng cần phải giấu vợ, vụng trộm với thị trường nữa. Tâm thế khác lắm!

Ngay như sếp tôi, ngót nghét hai chục năm ăn ngủ cùng bảng điện, ăn bằng lần không ít, nhưng bị thị trường vật cho tơi tả cũng nhiều. Anh kể, có lần suy sụp, người gầy rộc hẳn đi vì bị chứng vật, may thay có cô vợ đồng cảm: “Anh đầu tư cũng vì muốn tốt cho gia đình, em hiểu”. Đàn ông võ miệng, mà mềm yếu, chắc cũng chẳng sai, nhưng chỉ cần được tiêm những liều doping đúng lúc như thế, khí thế lại ngùn ngụt.

Hôm rồi, anh ấy bảo, kiểu chơi nửa mùa như các chú (ý mắng tôi) thì nghỉ cho khoẻ. Bại tí đã nản, rồi vứt tài khoản chỏng chơ thì bờ còn xa lắm. Vì những mã chú cầm vốn nặng mông, xuống thì rơi nhanh theo quán tính, lên thì lóp ngóp mãi vì ngưỡng nào cũng có cả đống nhà đầu tư rình rình đẩy hàng ra. Lúc chú nhập môn thị trường, VN-Index chừng 1.500 điểm, hiện vẫn âm mấy chục phần trăm thì có khi phải đợi chỉ số lên hơn 2.000 điểm may ra mới đặt chân lên đất liền.

Nghe mà ức, nhưng có lẽ đúng. Người từng trải, chắc họ cũng đau khổ nhiều rồi. Và điều quan trọng nhất, tôi luôn thấy ông anh bình tĩnh mỗi khi thị trường rung to, lắc mạnh. Đặc biệt, tài khoản luôn giữ khá nhiều tiền mặt để mua gom khi thiên hạ sợ hãi bán tháo.

Ngày càng ít người bị “doạ ma”

Giác quan đầu tư rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là không được sợ hãi, cũng không được liều lĩnh một cách mù quáng, phải biết tỉa cỏ, trồng hoa đúng lúc, dám cắt lỗ và bớt tham lam, dừng đúng lúc sẽ không bị thị trường doạ nạt.

Vừa rồi, một nhà đầu tư, có lẽ thuộc nhóm tay to bảo tôi, “95% nhà đầu tư trên thị trường thất bại, thắng lợi chỉ dành cho thiểu số là câu nói doạ ma nhiều người nhất”. Rồi lại thêm việc nhiều người chẳng chịu đầu tư công sức, thất bại với thị trường nên buông lời gièm pha, càng khiến chứng khoán mãi chẳng trở thành kênh đầu tư phổ biến tại đất nước 100 triệu dân. Cũng may, điều này đang dần thay đổi, Việt Nam đang có tới gần 8 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 8% dân số, trong đó 99% là của nhà đầu tư cá nhân. Oách ra phết! Nhưng mừng hơn là nhiều người biết đến một kênh đầu tư văn minh và ngày càng ít người bị doạ ma như câu nói nọ.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục