Hấp dẫn sản phẩm quỹ mở mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Thị trường Việt Nam hiện có 55 quỹ mở được phân loại theo mục tiêu đầu tư và chiến lược đầu tư khác nhau. Trong đó, việc ra mắt quỹ mở cổ tức giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn và yên tâm hơn khi ủy thác đầu tư vào các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Các công ty quản lý quỹ đang chủ động trong việc đa dạng loại hình sản phẩm, dịch vụ và mở rộng kênh phân phối Các công ty quản lý quỹ đang chủ động trong việc đa dạng loại hình sản phẩm, dịch vụ và mở rộng kênh phân phối

Quỹ mở trả cổ tức - Chưa từng có tiền lệ

Cuối tháng 6/2024, Quỹ đầu tư cổ phiếu tập trung cổ tức DC (DCDE) do Dragon Capital quản lý đã thực hiện chi trả cổ tức tỷ lệ 13%, tương ứng nhà đầu tư sở hữu mỗi chứng chỉ quỹ sẽ nhận về 1.300 đồng. Con số 1.300 đồng được tính toán dựa trên mức chia cổ tức 13%/chứng chỉ quỹ (mệnh giá). Theo đó, trong khoản lợi nhuận 23,37%, Quỹ dành 5% để chia cổ tức cho nhà đầu tư, giữ lại hơn 18% để tiếp tục đầu tư, sinh lời.

DCDE là quỹ mở đầu tiên thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho nhà đầu tư. Quyết định chia cổ tức này diễn ra trong bối cảnh Quỹ ghi nhận tăng trưởng tích cực, đặc biệt sau khi thay đổi mục tiêu đầu tư. Từ việc chuyên đầu tư các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn, kể từ giữa tháng 10/2023, DCDE chính thức thay đổi mục tiêu đầu tư khi dành 100% tài sản vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn hoặc triển vọng chi trả trong thời gian tới tại tất cả các ngành nghề.

DCDE đã trở thành quỹ đầu tiên xây dựng chiến lược đầu tư một cách cụ thể là “săn” cổ phiếu nhằm hưởng cổ tức, thay vì chênh lệch giá lúc bán so với khi mua. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư sau khi thay đổi sẽ không đầu tư vào trái phiếu niêm yết, trái phiếu chào bán ra công chúng, trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital cho biết, phương án chia cổ tức tiền mặt khá phổ biến trong ngành quỹ trên thế giới, nhưng tại Việt Nam thì DCDE là quỹ cổ phiếu mở tiên phong thực hiện. Chiến lược được đơn vị đưa ra nhằm tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời thay đổi tư duy của thị trường.

Theo bà Hạnh, trên thị trường toàn cầu hiện có xu hướng tìm đến tài sản tạo thu nhập thụ động và bền vững từ cổ tức. Thống kê từ Lipper (tổ chức cung cấp dữ liệu về quỹ đầu tư) cho thấy, tổng tài sản quản lý (AUM) của các sản phẩm thu nhập thụ động từ cổ tức tăng gấp đôi trong hơn 3 năm, từ mức 100 tỷ USD ngày 31/7/2020 lên hơn 300 tỷ USD ngày 31/7/2023.

Tính đến cuối năm 2023, có 107 quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép đang hoạt động trên thị trường, với tổng giá trị tài sản ròng đạt gần 68.000 tỷ đồng, chiếm 2,44% GDP.

Lý giải rõ hơn, ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc Nghiệp vụ, Quản lý danh mục, Dragon Capital cho hay, hầu hết nhà đầu tư nghĩ rằng chứng khoán chỉ có hình thức sinh lợi theo công thức “mua thấp, bán cao”. Tuy vậy, DCDE còn mang đến khoản thu nhập thụ động qua hình thức chia cổ tức hàng năm. Nhờ quá trình hoạt động hiệu quả, khoản lợi nhuận vừa có thể chia cho cổ đông mà vẫn đủ để đáp ứng cho việc đầu tư ở năm sau.

Năm 2024, DCDE dự kiến duy trì tỷ lệ tiền mặt linh hoạt theo từng giai đoạn, do thị trường có sự phân hóa giữa nhiều ngành nghề và cổ phiếu.

Tiếp nối sự xuất hiện của quỹ mở trả cổ tức, ngày 17/7/2024, VinaCapital chính thức ra mắt Quỹ đầu tư cổ phiếu cổ tức năng động VinaCapital (VinaCapital-VDEF). Đây là quỹ cổ phiếu đầu tư vào các công ty niêm yết có mô hình kinh doanh vững chắc, dòng tiền và tài chính lành mạnh, khả năng trả cổ tức cao trong dài hạn.

Ông Brook Taylor, Tổng giám đốc VinaCapital chia sẻ, Công ty ra mắt VinaCapital-VDEF nhằm mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận ổn định trong trung và dài hạn thông qua tăng trưởng vốn và các khoản cổ tức. Dựa trên thành công của các quỹ mở hiện có, VinaCapital kỳ vọng, quỹ mới sẽ mang lại cho nhà đầu tư nhiều cơ hội hơn để tham gia vào thị trường chứng khoán và xây dựng tài sản hiệu quả trong dài hạn.

Mở rộng loại hình sản phẩm

Thị trường Việt Nam hiện có 55 quỹ mở được phân loại theo mục tiêu đầu tư và chiến lược đầu tư khác nhau, bao gồm quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ hỗn hợp gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Việc ra mắt các quỹ mở cổ tức giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn và yên tâm hơn khi ủy thác đầu tư vào các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện đa dạng các loại hình quỹ mở cũng đánh dấu bước tiến của ngành quỹ trên chặng đường phát triển tương xứng với quy mô nền kinh tế. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2023, có 107 quỹ đầu tư chứng khoán được cấp phép đang hoạt động trên thị trường, với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 68.000 tỷ đồng, chiếm 2,44% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… vốn đã chạm mức 30% GDP. Số lượng nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ đạt khoảng 300.000, chiếm 0,3% dân số, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Con số này khá nhỏ so với số lượng 7,35 triệu tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc VCBF, sự phát triển còn khiêm tốn của ngành quỹ xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có việc sản phẩm quỹ tại Việt Nam còn ít. Do các công cụ đầu tư của Việt Nam chưa nhiều, chiến lược đầu tư của các quỹ cũng giản đơn, thường chỉ có quỹ cổ phiếu, trái phiếu hoặc cân bằng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có hàng nghìn sản phẩm đầu tư khác nhau, với chiến lược đầu tư theo ngành, theo nước, theo khu vực, toàn cầu và/hoặc chiến lược tăng trưởng, giá trị, thu nhập, vốn hoá lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ...

Gần đây, ở Việt Nam, một số quỹ có chiến lược đầu tư vào một ngành cụ thể như tài chính, ngân hàng, bất động sản, hay các quỹ ETF Finlead, ETF Diamond tập trung vào các cổ phiếu hết “room” ngoại, nhưng nhìn chung, sản phẩm vẫn còn nghèo nàn.

Thế giới đang đi theo xu hướng đầu tư xanh, các quỹ ESG (môi trường - xã hội - quản trị) mở ra rất nhiều, nhưng Việt Nam gần như chưa có. Bản thân các quỹ không có sự phân biệt quá rõ ràng về chiến lược đầu tư, thường để linh hoạt, có rất ít sản phẩm quy định rõ về chiến lược đầu tư như đầu tư cổ phiếu vốn hoá lớn, vừa hay nhỏ, đầu tư tăng trưởng hay giá trị.

Với chiến lược đầu tư chung chung, các quỹ thường không có chỉ số tham chiếu riêng, mà để chung là VN-Index. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư chưa hiểu về các công cụ đầu tư và chiến lược phân bổ tài sản, đánh đồng các sản phẩm quỹ mở với nhau, khi so sánh lợi nhuận của các quỹ cũng không so sánh giữa các chiến lược đầu tư với nhau.

Trong tương lai, ngành quản lý quỹ tại Việt Nam được đánh giá có nhiều dư địa để phát triển. Tỷ lệ người dân tham gia đầu tư chứng khoán ngày càng gia tăng sẽ góp phần mở rộng tệp khách hàng cả về quy mô và chất lượng, qua đó tạo ra cơ hội bứt phá cho ngành quản lý quỹ. Bởi lẽ, sự gia tăng nhà đầu tư sẽ thúc đẩy nhu cầu tư vấn, uỷ thác quản lý tài sản.

Theo đó, các công ty quản lý quỹ đang chủ động trong việc đa dạng loại hình sản phẩm, dịch vụ và mở rộng kênh phân phối để nhà đầu tư có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận sản phẩm chứng chỉ quỹ.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục