Bán lẻ công nghệ nhìn từ chuyện Viễn Thông A: Người giàu cũng chưa yên

Hình ảnh các cửa hàng Viễn Thông A tại TP.HCM đóng cửa im lìm vào mùa mua sắm cuối năm đang phản ánh bức tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ công nghệ: không có chỗ cho người thứ ba. Trên thực tế, Thế giới Di động và FPT Retail - hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bán lẻ công nghệ cũng đang phải liên tục tìm hướng đi mới.
Cùng với Bách hoá Xanh, chuỗi Điện máy Xanh đang góp phần đáng kể vào doanh thu của Thế giới Di động. Cùng với Bách hoá Xanh, chuỗi Điện máy Xanh đang góp phần đáng kể vào doanh thu của Thế giới Di động.

Mảnh đất chật hẹp

Trái với với không khí kinh doanh nhộn nhịp mùa cuối năm, hàng loạt chi nhánh Viễn Thông A tại TP.HCM đóng cửa im ỉm. Viễn Thông A là tên tuổi lâu đời nhất trong số các chuỗi bán hàng công nghệ được biết đến hiện nay. Biểu tượng một thời của ngành bán lẻ công nghệ tại TP.HCM sắp biến mất. Một số mặt bằng trước đó của Viễn Thông A nay cũng đã có chủ mới là các thương hiệu bán lẻ khác như FPT Shop, Vascara, Concung...

Sự ra đi của một thương hiệu lâu đời như Viễn Thông A để lại ít nhiều dư âm cho người tiêu dùng, nhưng với giới kinh doanh, đó là điều đã được dự đoán từ trước.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thị trường bán lẻ công nghệ đã có dấu hiệu giảm đà tăng trưởng từ cách đây hai năm. Thị phần chi phối năm trong tay hai nhà bán lẻ là Thế giới Di động và FPT Retail.

Khi thị trường trở lên chật chội, thì theo quy luật thông thường, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải ngắm nghía thị phần của nhau.

Một chuyên gia (xin giấu tên) cho biết, trong thị trường bán lẻ công nghệ, “vỗ mặt” là phương thức kinh doanh mà các ông lớn dành cho đối thủ mới tham gia hoặc có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, nhóm này liên tục mở chi nhánh mới, bao vây các đối thủ yếu hơn cho đến khi họ từ bỏ cuộc chơi hoặc bị mua lại.

Bằng cách này, các doanh nghiệp lớn cũng tạo ra rào cản về chi phí đầu tư cao nhằm ngăn những doanh nghiệp mới tham gia và theo thời gian sẽ dần dần ôm trọn miếng bánh thị phần.

Người giàu cũng chưa yên

Nhưng thực tế, việc ôm miếng bánh lớn trong một thị trường đã bảo hoà cũng không đem lại nhiều lợi ích cho Thế giới Di động hay FPT Retail trong mục tiêu phát triển dài hạn. Đó là lý do khiến cả hai doanh nghiệp này phải tích cực khai phá thị trường mới: bán lẻ ngành hàng tiêu dùng.

Doanh thu bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2019 đạt khoảng 160 tỷ USD

VDSC ước tính, doanh thu bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2019 đạt khoảng 160 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thud ịch vụ tiêu dùng trong năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4,94 triệu tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra năm 2019 là tăng 11,5-12% so với năm 2018.

Năm 2020, cả nước đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,8 -12%. Theo dự báo của nhiều hãng phân tích, thị trường bán lẻ tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân trên 10% trong những năm tới nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh ở Việt Nam.    

VDSC ước tính, năm 2019, doanh thu bán lẻ ở Việt Nam đạt khoảng 160 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng cao. Theo dự báo của VDSC, thị trường bán lẻ tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân trên 10% trong các năm tới nhờ tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh ở Việt Nam.

Điểm hấp dẫn nữa là thị trường bán lẻ tiêu dùng cực kỳ phân mảnh và sức mua phần lớn đang nằm trong tay các cửa hàng truyền thống, không có nhiều lợi thế về quản lý chuỗi và tiềm lực tài chính. Trong bối cảnh đó, Thế giới Di động lấn sân sang bản lẻ bằng mô hình thực phẩm và hàng tiêu dùng với Bách hoá Xanh, còn và FPT Retail là ngành dược với chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Với Bách hoá Xanh, Thế giới Di động đang nhân rộng mô hình khá nhanh ở các tỉnh miền Nam. Báo cáo tài chính hồi tháng 8/2019 của MWG cho biết, chuỗi Bách hoá Xanh đã đạt mốc hoà vốn ở cấp độ 700 cửa hàng. Tháng 11/2019, doanh thu một cửa hàng Bách hoá Xanh đạt hơn 1 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 20%. Tuy nhiên, Bách hoá Xanh vẫn đang gặp trục trặc trong việc mở rộng ở miền Trung.

Long Châu của FPT Retail cũng đang đi đúng hướng nhờ bám theo ba chiến lược chính trong bán lẻ gồm địa điểm đẹp, lượng hàng hoá đa dạng và mức giá cạnh tranh. Việc tăng số lượng nhà thuốc Long Châu lên 50 cửa hàng đã đưa doanh thu trong ba quý đầu năm 2019 của chuỗi này lên gần 500 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2018. FPT Retail kỳ vọng, năm 2021, Long Châu sẽ hoà vốn và trở thành trụ cột đóng góp doanh thu và lợi nhuận cho Công ty vào năm 2025.

Nhưng đó là các thị trường trong tương lai. Hiện cả Thế giới Di động và FPT Retail vẫn đang dựa vào bán lẻ công nghệ để tiếp tục phát triển.

Điển hình như Thế giới Di động. Bên cạnh thị trường bán lẻ công nghệ, đơn vị này đang hưởng lợi từ thị trường điện máy tiêu dùng với Điện máy Xanh ước đạt mức tăng trưởng 10% trong năm 2019. Thị phần của Điện máy Xanh hiện là 38%, tăng 2% so với năm 2018. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang tối ưu doanh thu ở các cửa hàng bán lẻ công nghệ bằng cách tạo thêm không gian trưng bày các sản phẩm như mắt kiếng, đồng hồ…vốn có biên lợi nhuận gộp lên đến 50% để kích cầu tập khách hàng hiện tại.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc Điều hành Thế giới Di động cho biết, năm nay, Công ty sẽ mở rộng số cửa hàng có kinh doanh đồng hồ lên 500 năm 2020, chiếm ít nhất 45% thị phần đồng hồ tại Việt Nam.

“Đây là ngành có triển vọng. Biên lợi nhuận của đồng hồ rất lớn.”, ông Hiểu Em nói.

Tương tự, mảng bán lẻ công nghệ vẫn là “nồi cơm” của FPT Retail, nhưng có phần kém lạc quan hơn so với MWG.

Theo VDSC, kết quả kinh doanh năm 2019 của đơn vị này bị ảnh hưởng mạnh do dự phòng nợ xấu (30 tỷ đồng) từ chương trình mua trả góp F.Friends và Subsidy của FPT Retail. Nguyên nhân do phần mềm khoá máy (giải pháp phòng chống trường hợp khách hàng mua trả góp ngừng trả góp, bán máy thu lợi) gặp trục trặc. Bên cạnh đó, doanh số iPhone (chiếm đến 1/3 doanh thu FPT Retail), không tốt do sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc điện thoại cao cấp thời gian qua. Nếu hai sự cố này không xảy ra trong năm 2020, FPT Retail sẽ lấy lại phong độ tăng trưởng.

Có lẽ năm 2019 là một năm đầy thách thức với không riêng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Diễn biến tại nhiều thị trường cho thấy, mặc dù sức tiêu dùng vẫn mạnh và nền kinh tế vẫn vững mạnh, song vẫn có nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa do gặp khó khăn về thị phần.

Thị trường Mỹ là một thí dụ. Năm qua, các nhà bán lẻ Mỹ đã phải đóng cửa hơn 9.300 cửa hàng, tăng 59% so với năm 2018. Đây là con số cao nhất kể từ khi Công ty Coresight Research bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2012. Đặc biệt là tỷ lệ phá sản trong ngành bán lẻ tại Mỹ đã tăng mạnh trong năm 2019, nhiều thương hiệu, chuỗi bán lẻ đã phải thu hẹp quy mô, dẫn đến số lượng cửa hàng bán lẻ tại Mỹ bị đóng cửa tăng đột biến.

Huy Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục