Dòng tiền thận trọng hơn

(ĐTCK) Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đầu cơ không kéo dài khi vừa đồng loạt có diễn biến giảm giá mạnh. Nhiều ý kiến nhận định, dòng tiền năm 2020 sẽ rất chọn lọc, tập trung vào các cổ phiếu cơ bản và một số nhóm ngành có nền tảng tăng trưởng tốt.
Dòng tiền thận trọng hơn

Rủi ro khi vào nhóm đầu cơ

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường giao dịch sôi động khi thị trường thiếu vắng cơ hội ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa.

Giai đoạn tháng 12/2019, hoạt động đầu cơ ở nhóm cổ phiếu này diễn ra mạnh mẽ. Gần đây, nhiều cổ phiếu có dấu hiệu rút lui của dòng tiền đầu cơ, có thể kể đến các mã như AMD, LDG, HAI, IJC, HAR, SJF, TSC…

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nắm giữ nhóm cổ phiếu đầu cơ rất rủi ro.

Nhóm cổ phiếu này thường đem lại mất mát cho nhà đầu tư cá nhân hơn là mang lại lợi nhuận.

Bị cuốn vào trò chơi mạo hiểm thiếu công bằng này, trong trường hợp may mắn sẽ thu được lợi nhuận cao so với nhóm cổ phiếu cơ bản, song chỉ cần vào/ra sai nhịp thì nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn hơn nhiều.

Theo ông Du, khá nhiều mã đầu cơ đang ở vào thế bất lợi cho người mua, vì dòng tiền lớn thể hiện ý đồ rút lui.

Trên nhiều diễn đàn mạng, không ít nhà đầu tư “than thở” về việc bị cuốn vào các cổ phiếu đầu cơ, sau mua mới biết giá khó có thể tăng thêm, hàng chưa kịp về đã gặp ngay cảnh bị xả hàng ồ ạt.

Không chỉ các mã nhỏ, mà một số mã vốn hóa lớn thuộc chỉ số VN30 cũng rơi vào tình cảnh này, đơn cử cổ phiếu ROS.

Nhà đầu tư T. T. Trung cho biết, tài khoản của anh “bay” hàng trăm triệu đồng vì đầu tư vào ROS trước đó, khi thấy giá liên tục giảm.

Phiên 7/1, giá ROS tăng trần, nhưng kỳ vọng giá tiếp tục phục hồi bị dập tắt ngay sau đó, khi giá quay đầu giảm sàn trong phiên 8/1.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận, thị trường đã mang đến rất nhiều bài học khi bám đu theo sóng cổ phiếu nóng.

Có hàng nghìn nhà đầu tư đã phải trả giá bằng tài sản, mất nhà, mất xe... Bài học này từ nhiều năm trước và nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực tế, năm 2018 và 2019, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường do lo ngại suy thoái toàn cầu và các bất ổn thương mại khiến dòng tiền lớn rút ra tìm nơi trú ẩn ở các tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng.

Năm 2020, kinh tế toàn cầu được nhiều tổ chức dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm lại, mức tăng có thể dưới 3%, thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Ngoài ra, các bất ổn địa chính trị, thương mại vẫn tiếp diễn và khó lường, nên xu hướng đầu tư an toàn ở các cổ phiếu có cổ tức ổn định để phòng thủ sẽ phổ biến.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn muốn tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn, nên bên cạnh nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản, họ tranh thủ “lướt sóng” nhóm cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, viễn cảnh thị trường cổ phiếu phân hóa mạnh nhiều khả năng tái diễn trong năm 2020 và khi dòng tiền không đủ mạnh để tạo thành làn sóng tăng trên diện rộng thì nhà đầu tư sẽ tập trung vào những doanh nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Với các doanh nghiệp có triển vọng kém, giá cổ phiếu thấp cũng sẽ không phải là điểm đến của dòng tiền.

Lưu ý, dòng tiền nội thường nương theo dòng tiền ngoại, vốn ngoại dự kiến sẽ tập trung vào các cổ phiếu nằm trong các rổ chỉ số VN30, MCSI và một số chỉ số mới là Diamond Index, Financial Index..., bao gồm các cổ phiếu cơ bản.

“Thời điểm này, có lẽ không nên quan tâm tới những cổ phiếu đầu cơ. Nếu như bạn không phải là người am hiểu chúng thì không nên mua, bởi rủi ro lớn hơn nhiều so với cơ hội thu lợi. Tỷ lệ nhà đầu tư thua lỗ vẫn đang chiếm đại đa số”, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Bình nói.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giai đoạn hiện nay, đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ rủi ro hơn nhiều so với nhóm vốn hóa lớn và trung bình.

Khó có thể kết luận rằng, dòng tiền đang có ý đồ rút lui ở nhóm vốn hóa nhỏ hay không, bởi giao dịch tại một số mã như FIT, HAI, HQC… không đại diện cho cả nhóm.

Tuy nhiên, thanh khoản nhìn chung vẫn yếu, cho thấy kỳ vọng về thị trường chưa cải thiện. Bên cạnh đó, yếu tố tích cực “đầu năm” vẫn mang tính thăm dò và để đẩy thị trường lên, dòng tiền thường phải tụ vào nhóm vốn hóa lớn trước.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Mỹ - Iran đang ảnh hưởng chung đến thị trường toàn cầu.

Dòng tiền tìm nơi an toàn

Năm ngoái, thị trường chứng khoán về cơ bản có diễn biến không đồng pha với kinh tế vĩ mô. VNDIRECT chỉ ra hai áp lực chính lên thị trường là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết thấp hơn dự báo và sự bùng nổ của thị trường thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lợi suất cao đã phần nào thu hút dòng tiền.

Năm nay, VNDIRECT ước tính, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 18%, cao hơn so với con số 13,7% của năm 2019.

Công ty chứng khoán này cho rằng, cần khoảng 2 năm nữa, Việt Nam mới có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong bảng xếp hạng của MSCI, song tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Index kỳ vọng sẽ tăng lên, sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng, điều này giúp kích hoạt dòng vốn mới từ nước ngoài vào thị trường.

Trong góc nhìn tổng thể về thị trường năm 2020, VNDIRECT kỳ vọng, VN-Index sẽ đạt mốc 1.160 điểm, nghĩa là tăng 20,7% so với cuối năm 2019; dựa trên P/E 2020 là 15,3 lần, tương đương với mức P/E trượt hiện tại.

Top cổ phiếu khuyến nghị ở thời điểm này vẫn là những cái tên đã “chiến thắng thị trường” trong năm 2019 như VRE, MWG, VNM, DBC, HPG, GMD, MBB, FPT.

Nói về xu hướng dòng tiền trong năm 2020, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, các doanh nghiệp có định giá rẻ sẽ không quá thu hút dòng tiền.

Thay vào đó, nhà đầu tư chọn các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc làm tiêu chí phòng thủ trong trường hợp thị trường diễn biến kém thuận lợi.

Dòng tiền không thiếu, nếu không muốn nói dư giả, nhưng đang “bí” chỗ để đầu tư, bởi chưa nhìn thấy cơ hội một cách rõ ràng. Khi thị trường thuận lợi thì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao để tận dụng cơ hội.

Khi thị trường khó phán đoán, tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình để vừa phòng tránh rủi ro, tận dụng được cơ hội khi xuất hiện.

Trong trường hợp thị trường quá rủi ro thì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại và có nguồn vốn cho các cơ hội tương lai.

Anh Ngọc, nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, thị trường đang bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ sự bất ổn địa chính trị trên thế giới, đến việc thiếu các thông tin hỗ trợ thị trường. Cảm giác rủi ro vẫn đeo bám nhiều nhà đầu tư.

“Không thể loại trừ khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh và rung lắc mạnh. Những cổ phiếu khởi sắc trong giai đoạn tháng 12/2019 đã hết động lực, sức ép bán ra ở các cổ phiếu này gây áp lực lên thị trường”, anh Ngọc nói.

Mbs lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán 2020

Dòng tiền thận trọng hơn ảnh 1

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Nền kinh tế Việt Nam năm 2020 có triển vọng tích cực. GDP dự báo tăng khoảng 6,8%, CPI bình quân tăng dưới 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, xuất siêu khoảng 9 tỷ USD...

Thị trường chứng khoán sẽ khả quan hơn trong năm 2020 nhờ động lực từ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, xu hướng dòng vốn nước ngoài tăng, kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi mang lại sự thay đổi mang tính nền tảng, cùng với đó là cơ hội từ việc triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán vẫn nằm ở các yếu tố bên ngoài như ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, xu hướng dòng vốn quốc tế và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao của các doanh nghiệp niêm yết ở mức thấp. Mặc dù vậy, lợi nhuận ròng toàn thị trường đang có dấu hiệu phục hồi nhờ các ngành ngân hàng, bất động sản.

Về diễn biến thị trường, xu hướng đi ngang trong 3-4 thời gian của năm 2019 có thể kéo dài sang năm 2020, chỉ số VN-Index dao động trong khung hẹp, nhưng thanh khoản có thể cải thiện đáng kể so với năm 2019 nhờ quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước sẽ được thúc đẩy, tác động tích cực từ Luật Chứng khoán sửa đổi, dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng trở lại qua kênh ETF, sự ra đời các sản phẩm mới.

Trên góc nhìn đó, trong Báo cáo triển vọng nền kinh tế và thị trường chứng khoán 2020 của MBS, chúng tôi đưa ra kịch bản lạc quan đối với thị trường năm 2020, VN-Index có thể dao động bình quân trong khoảng cận dưới 960 điểm và cận trên 1.176 điểm, tăng 22,4% so với năm 2019 (tính theo mốc điểm cao nhất có khả năng đạt được).

Đối với kịch bản cơ sở, chỉ số có thể dao động trong khoảng cận dưới 934 điểm với cận trên 1.075 điểm, tăng 11,78% so với năm 2019 (tính theo mốc điểm cao nhất có khả năng đạt được).

Năm 2020 tiếp tục là năm dòng tiền sẽ rất chọn lọc và tập trung vào một số ngành, lĩnh vực tiêu biểu có nền tảng tăng trưởng tốt như ngân hàng, hàng tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ, phần mềm, viễn thông, năng lượng, điện nước, vật liệu.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục