1. Xây dựng và bất động sản
Thống kê mới đây của ManpowerGroup tại Việt Nam cho thấy, năm 2019 nhu cầu tuyển dụng của nghề này dự báo tăng 8% so với 2018. Năm nay thị trường bất động sản có nhu cầu nhân lực rất cao ở tất cả các cấp. Tại ManpowerGroup, số lượng yêu cầu từ khách hàng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng các vị trí cấp cao được tuyển dụng với mức lương hàng nghìn USD vẫn khó tìm nhân sự.
Chị Lan, Giám đốc nhân sự một công ty bất động sản ở miền Trung cho biết, công ty chị bắt đầu tuyển dụng giám đốc phát triển kinh doanh từ đầu tháng 1/2019 nhưng tới nay vẫn chưa tìm được dù mức lương đưa ra lên tới 2.000 USD. Ngoài mức trên, công ty còn có nhiều chế độ ưu đãi cũng như hoa hồng nhưng tới nay vẫn chưa tìm được nhân sự ưng ý.
Không chỉ các vị trí cao cấp đang khát nhân sự, hiện nay trưởng phòng, phó phòng kinh doanh ở các công ty bất động sản cũng khá khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhiều tháng trời nhưng vẫn không tìm được nhân sự đáp ứng.
2. Bán lẻ
Nhân sự ngành bán lẻ không chỉ khó tìm ở phân khúc cao cấp mà cả những lao động phổ thông cũng không đủ nguồn lực. Hiện mức lương ở ngành này tăng qua các năm. Đối với giám đốc kinh doanh bán lẻ và giám đốc quản lý nguồn hàng đang có mức lương giao động từ 50 đến 100 triệu đồng.
Theo ManpowerGroup, nhu cầu tuyển dụng của ngành bán lẻ tăng 10% so với 2019. Đây là một trong những ngành có mức tăng cao, nhưng do áp lực lớn nên nhân sự nhảy việc diễn ra mạnh mẽ qua các năm.
Chị Hương, giám đốc nhân sự một tập đoàn bán lẻ của Thái Lan cho biết, giám đốc kinh doanh bán lẻ luôn bị áp đặt doanh số lớn nên khá áp lực. Do đó, nhiều nhân sự trải qua thời gian thử việc buộc phải rời bỏ vị trí vì không chịu được thử thách. Hiện, công ty chị trong một năm tuyển hai giám đốc bán lẻ vẫn chưa giữ chân được ai.
3. Công nghệ thông tin
Đây là ngành có nhu cầu nhân sự tăng 14% so với 2018 và cũng là ngành có mức tăng cao nhất trong các nhóm ngành. Hiện chức danh giám đốc công nghệ đang được nhiều doanh nghiệp tìm kiếm.
Giám đốc nhân sự một công ty chuyên về tài chính cho biết, năm ngoái công ty liên tục tìm kiếm vị trí giám đốc công nghệ (CTO) là người Việt với mức lương 10.000 USD, nhưng suốt 3 tháng không có bất cứ cá nhân nào ứng tuyển, buộc công ty phải tìm tới các đơn vị săn đầu người.
"Tôi có nhờ một công ty chuyên về nhân sự tìm kiếm người nhưng họ yêu cầu mức lương cho cá nhân đó phải dao động 15.000-17.000 USD. Cuối cùng họ cũng tìm được cho công ty một CTO người nước ngoài", Giám đốc nhân sự công ty này cho biết.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, vị trí CTO cho doanh nghiệp rất khó tìm kiếm. Bởi lẽ, ngay cả các công ty Startup thuộc các mảng như E-Commerce, công nghệ của Việt Nam vẫn chưa có nhân sự cấp cao này. Do đó, để tìm được "đúng người giao đúng việc", công ty thường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nhân sự nước ngoài để đáp ứng nhu cầu.
4. Giáo dục
Mức lương bình quân của ngành giáo dục không cao nhưng hiện các vị trí tuyển dụng về giám đốc điều phối dự án giáo dục lại lên tới mức 1.000 USD. Đặc biệt, tại các trường do các công ty tư nhân đầu tư thì vị trí này có thể lên tới trên 2.000 USD.
Theo trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM thì hiện nay nhân sự trong ngành giáo dục đang suy giảm, nhiều vị trí có mức lương cao vẫn khó tìm nhân sự vì đòi hỏi yêu cầu cao. So với 2018, năm nay nhu cầu nhân sự trong nhóm ngành này tăng 10%.
Mới đây, một công ty ở Hà Nội, tuyển dụng giám đốc điều phối chương trình kỹ năng và giáo dục phẩm chất với mức lương lên tới 2.500 USD vẫn chưa tuyển được nhân sự phù hợp.
5. Sản xuất
Mức lương cho người lao động trong nhóm ngành này đang dao động 7-10 triệu đồng. Riêng với những vị trí phát triển sản phẩm thì mức lương lên tới 2.000 -5.000 USD vẫn khó tìm được nhân sự ưng ý.
Anh Hoàng, tổng giám đốc một công ty tiêu dùng ở TP HCM cho biết, công ty của anh đang tuyển một giám đốc sản phẩm với mức lương trên 2.000 USD nhưng 3 tháng nay vẫn chưa tìm được nhân sự.
Yêu cầu đối với vị trí này là phải biết hoạch định chiến lược, lên kết hoạch kinh doanh cho sản phẩm mới. Song song đó, họ phải biết quản lý sản phẩm, vòng đời sản phẩm; đánh giá và nhận định về vị trí của sản phẩm đối với thị trường và khách hàng, so sánh và đánh giá với sản phẩm, dịch vụ của đối thủ.
Ngoài ra, họ phải biết phối hợp với các giám đốc trung tâm kinh doanh xây dựng các chính sách đối với sản phẩm và khách hàng của công ty; tham gia vào quá trình nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển sản phẩm.
"Tôi đã phỏng vấn hàng trăm ứng viên cho chức vụ này nhưng vẫn chưa tìm được. Nguyên nhân là do nhiều ứng viên chưa đáp ứng được yêu cầu của công ty. Còn nếu thuê giám đốc nước ngoài thì họ lại đòi hỏi mức lương quá cao nên công ty khó đáp ứng", anh Hoàng chia sẻ.