Xuất khẩu sang EU vẫn tăng đều

0:00 / 0:00
0:00
Những chuyến hàng Việt xuất sang EU vẫn tăng, đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này cán mốc 16,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhờ EVFTA. Ảnh: L.T Giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhờ EVFTA. Ảnh: L.T

Tận dụng EVFTA

Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU có mức tăng trưởng tích cực từ đầu năm đến nay, bất chấp tác động của Covid-19. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 16,1 tỷ USD hàng hóa sang EU, tăng 20,1% và nhập khẩu từ EU 6,7 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 và những biến động của thị trường đã tác động đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của EU với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 49,8 tỷ USD, giảm 0,1% so với năm 2019, chiếm 9,13% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tình hình xuất khẩu sang EU đã phần nào được cải thiện từ cuối năm 2020 đến nay.

Sau 9 tháng EVFTA thực thi, tính đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhờ EVFTA. Một số thị trường bật tăng mạnh trong quý I/2021, như Bỉ (tăng 37%), Hà Lan (tăng 23,4%), Italia (tăng 14,3%), Tây Ban Nha (tăng 39,2%), Cộng hòa Séc (tăng 36,5%), Thụy Điển (tăng 30,8%)...

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, so với trước thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU đã có sự tăng trưởng vượt bậc, quý I/2021 tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi quý I/2020 chỉ tăng 0,1% và quý I/2019 tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group, thuế suất thuế nhập khẩu đối với giày dép vào thị trường EU tương đối cao, từ 5 - 17%; đối với vali, túi xách là từ 2 - 9,7%. Tại EVFTA, EU cam kết xóa bỏ thuế quan 100% đối với các mặt hàng giày dép của Việt Nam, với lộ trình dài nhất là 7 năm. Trong dài hạn, các doanh nghiệp giày dép Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể do các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định, không phụ thuộc vào tỷ trọng trong tổng nhập khẩu vào EU và giảm dần xuống 0%.

Nông sản khẳng định vị thế

Đại diện Công ty One IBC Việt Nam cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt. Cùng với việc được miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam dường như đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế.

Những ngày này, liên tiếp các lô hàng vải thiều tươi được xuất khẩu bằng đường hàng không đã được các doanh nghiệp Việt xuất khẩu tới Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Bỉ. Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu thông tin, lô vải thiều đầu tiên đã đến Bỉ, là dấu mốc quan trọng, như “giấy thông hành” đặc biệt chứng minh trình độ sản xuất của nông nghiệp Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các nhà nhập khẩu châu Âu có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU trong 5 tháng đầu năm đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 50%, với gần 199 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.

Vasep kỳ vọng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp, sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại EU dần được mở trở lại.

Kế hoạch đưa nông thủy sản chinh phục thị trường EU vẫn đang được doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ. Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Facific Foods cho hay, sau khi đưa vải thiều chinh phục EU thông qua Cộng hòa Séc, sẽ đến lượt mít, thanh long, gạo được đơn vị này xúc tiến xuất khẩu sang thị trường này. “Chúng tôi tự tin sẽ làm được điều này, vì đã có 10 năm xuất khẩu nước mắm sang thị trường Mỹ và đang đứng top 1 về thương hiệu nước mắm Mami trên Amazon.

Theo bà Lê Minh Hoa, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ Việt Nam (đơn vị kết nối để Pacific Foods xuất khẩu trái vải đi EU), “đường cao tốc hướng Tây” EVFTA đang kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn nhờ các doanh nghiệp “se duyên” tìm kiếm nguồn hàng đạt tiêu chuẩn EU.

Tín hiệu xuất khẩu sang EU cũng khả quan với ngành thủy sản. Thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản tới EU là 370 doanh nghiệp, hiện đã tăng lên 410 doanh nghiệp, hầu hết đều có uy tín và khả năng cung ứng tốt.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục