Nhận định của ông về chính sách tiền tệ, cụ thể là đối với lĩnh vực tín dụng trong năm 2020?
Thị trường tài chính Việt Nam năm qua có quá nhiều điểm sáng, dù vẫn có vài điểm thách thức. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế chính sách, ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Thông tư 22/2019/TT-NHNN… để thị trường tài chính ngày càng phát triển.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho hai năm gần đây ở mức 14%, theo tôi, là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế.
Thực tế, để có thể phát triển một cách bền vững, doanh nghiệp phải có nguồn tài chính và năng lực tự có, thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn tín dụng của ngân hàng.
Xu hướng của ngân hàng đang ngày càng hướng dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực xanh. Theo ông, điều đó sẽ tác động ra sao đến dư nợ và liệu có rủi ro?
TS Bùi Quang Tín.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp gặp thua lỗ, thiệt hại trong hoạt động sản xuất kinh doanh do rủi ro từ các vấn đề môi trường và xã hội ngày càng nhiều.
Lời giải cho bài toán trên chính là tăng trưởng xanh. Đây được xác định là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển hạ tầng để cải thiện tính hiệu quả của nền kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng theo hướng bền vững.
Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội và ngành ngân hàng không ngoại lệ.
Vì thế, từ năm 2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Việc hướng dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực sạch, xanh là cần thiết và theo tôi, nếu kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, ngân hàng sẽ không quá lo ngại rủi ro khi nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời gia tăng, trong khi nguồn cung chưa thể đáp ứng được.
Nói vậy, cơ hội và dư địa để tăng trưởng tín dụng xanh vẫn còn lớn, thưa ông?
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi mô hình phát triển như Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020...
Theo đó, Chính phủ giao NHNN chủ trì thực hiện hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh…
Ngày 7/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Đây được coi là những bước đi đầu tiên trong định hướng hoạt động ngân hàng hướng tới mục tiêu Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sau khi có những văn bản chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc, xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời lồng ghép hoạt động tín dụng xanh trong chiến lược phát triển của mình. NHTM đã chủ động tham gia các dự án có tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế về bảo vệ môi trường và cấp tín dụng xanh.
Nhờ sự triển khai tích cực đó, tỷ trong vốn cho tín dụng xanh đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Số liệu NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2019, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,36% so với cuối năm 2018; trong đó tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,34% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2018. Nhưng triển vọng của dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực sạch, xanh theo tôi còn rất lớn.
Để thúc đẩy nhanh hơn tăng trưởng tín dụng xanh, cần các giải pháp nào?
Thực tế tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá mới mẻ, việc đánh giá các tiêu chí tăng trưởng xanh của ngân hàng còn lúng túng, việc xác định thanh toán hỗ trợ cho các dự án còn chậm. Hiệu quả của quá trình triển khai không được như kỳ vọng và còn xa vời so với thực tế.
Tín dụng xanh mới tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, nhưng dư nợ đối với loại hình tín dụng này cũng chỉ tập trung ở Agribank.
Để cải thiện tình trạng trên, cần tiếp tục hoàn thiện tiêu chí pháp lý, kế hoạch triển khai hành động xanh đối với tín dụng ngân hàng; hoàn thiện cuốn sổ tay đánh giá rủi ro các dự án tín dụng xanh. Mặt khác, nên có những hỗ trợ cần thiết như quy định dự trữ bắt buộc đối với tín dụng xanh ở mức thấp nhất có thể.
Vì tăng trưởng tín dụng xanh rủi ro nhiều, nên cơ quan quản lý cần có điều chỉnh để khuyến khích các ngân hàng tăng trưởng tín dụng xanh như một trong sáu lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng hiện nay.