Từ chính sách của Chính phủ…
Khi nói đến lĩnh vực ngân hàng, đa số người dân đã quen với các cụm từ thông dụng liên quan đến cho vay như tín dụng bền vững, tín dụng nông thôn, tín dụng cá nhân/doanh nghiệp, tín dụng ngắn hạn/trung hạn/dài hạn…, nhưng còn khá xa lạ đối với tín dụng xanh - một thuật ngữ xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đe dọa tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Do đó, tăng trưởng xanh chính là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững.
Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là hệ thống tài chính ngân hàng.
Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư cho những dự án phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định chiến lược hoạt động nhằm phát triển kinh tế bền vững. Vì thế, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời định hướng phát triển tín dụng xanh thông qua các chỉ thị, thông tư.
Cụ thể, năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 và Quyết định 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Ngày 10/1/2017, ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN với nội dung “Tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020”, theo sau đó là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định rõ tại Mục 1, Ðiều 4: “Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường”.
… Đến giải pháp của các tổ chức tín dụng
Ðể cụ thể hóa những mục tiêu, định hướng của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã đồng hành cùng với khách hàng của mình, đặc biệt là khách hàng trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Ông Bùi Anh Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Từ những ngày đầu, SCB đã nắm bắt và đồng hành với mục tiêu tín dụng xanh thông qua việc triển khai chính thức sản phẩm “Cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng” ngày 20/8/2015, tổng hạn mức của chương trình Hỗ trợ đầu tư xanh (Chương trình GIF) là 110 tỷ đồng (bao gồm cả BIDV,
Techcombank và SCB), với mục đích tiếp cận khách hàng vay vốn để đầu tư, nâng cấp máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, khách hàng được nhận thêm những ưu đãi từ dự án như bảo lãnh tín dụng tối đa 2 tỷ đồng, trả thưởng tiết kiệm năng lượng tới 30% giá trị gốc khoản vay và tối đa 1,2 tỷ đồng…
Agribank đã tham gia nhiều dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như dự án Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, quản lý rủi ro thiên tai, hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp...
Theo kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403/QÐ-TTg ngày 20/3/2014, chương trình tín dụng với 8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những kênh tín dụng xanh mang lại hiệu quả như vậy.
Nam A Bank ký kết hợp tác với Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) thông qua các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và dự án tiết kiệm 20% năng lượng.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, cấp tín dụng xanh cho các mục đích đầu tư máy móc, thiết bị, bổ sung vốn lưu động kinh doanh; đối với khách hàng cá nhân, cho vay mua xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên, phát triển nông nghiệp nông thôn, tiết kiệm năng lượng…
Thực tế trên cho thấy, tín dụng xanh là xu hướng tài chính tất yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện theo “kim chỉ nam” này, các ngân hàng đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức không nhỏ như chưa có chính sách, quy trình hay hệ thống chính thức quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội, hoặc việc áp dụng các thông lệ quốc tế như Bộ tiêu chuẩn hoạt động của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Nguyên tắc Xích đạo, các sáng kiến tài chính của chương trình môi trường Liên hợp quốc…, nên cần phải có các giải pháp tháo gỡ nhằm mang lại hiệu quả thực tiễn.
Ở góc độ định hướng cho ngân hàng, cần các nỗ lực nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực, tạo điều kiện cũng như sự khuyến khích để các bên (gồm các tổ chức tín dụng và khách hàng) có thêm động lực thay đổi và thực hiện trên diện rộng;
Đồng thời, cần ban hành chương trình quốc gia về tài chính xanh và các hướng dẫn liên quan đến quy trình thẩm định, cho vay... nhằm giúp các ngân hàng có căn cứ để triển khai; quy định trong các hợp đồng tín dụng phải có điều khoản bắt buộc về bảo vệ môi trường và cộng đồng.
Chẳng hạn, khi cho vay trong lĩnh vực thực phẩm, cần quy định rõ việc nước thải không được gây tác hại đến môi trường hay tới người lao động…, ngân hàng sẽ kết hợp với các cơ quan, ban, ngành giám sát và có chế tài xử lý.
Ở góc độ hỗ trợ khách hàng, cần xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, vật nuôi phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu; có cơ chế khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp đầu tư, đồng thời quy hoạch nhà máy sản xuất, chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu;
Nhà nước cần đưa ra các giải pháp để phát triển tổ hợp tác hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết; chính quyền địa phương cần quan tâm, ổn định quy hoạch vùng nông nghiệp, hỗ trợ người dân trong các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất xanh như cấp đổi giấy chứng nhận, chuyển mục đích quyền sử dụng đất...;
Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi mô hình sạch và bảo hiểm tài sản hình thành từ vốn vay, bảo hiểm năng suất…
Việc khuyến khích các khách hàng áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống đến quy trình sản xuất.
Việc các tổ chức tín dụng có thể đảm bảo an toàn hoạt động, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng năng lực về quản lý rủi ro môi trường và xã hội sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh mới như tài trợ lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công trình xanh…
Vì vậy, tín dụng xanh không chỉ tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, mà còn tốt cho chính tổ chức tín dụng và khách hàng.