Thống kê của NHNN cho thấy, mới có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như Sacombank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, Viet A Bank, OCB, Kien Long Bank, PVCombank, HSBC…
Bên cạnh đó, có 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các ngân hàng được cấp phép hoạt động dưới hình thức ngân hàng 100% vốn sở hữu nước ngoài như HSBC, Standard Chartered... Một số ngân hàng cổ phần trong nước như Sacombank, Techcombank, VietinBank đã xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội bằng văn bản.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin thêm, dư nợ tín dụng xanh đang tăng nhanh. Cụ thể, nếu như quý IV/2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỷ đồng, thì quý I/2018 con số này đã ở mức 188.270 tỷ đồng, quý II/2018 là 188.132 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ tín dụng xanh đã tăng mạnh trong quý III/2018, đạt 235.717 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong triển khai chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, quý IV/2017 ở mức 230.882 tỷ đồng và giảm nhẹ xuống mức 226.108 tỷ đồng vào quý I/2018, nhưng đã tăng trở lại trong quý II và III/2018, lên các mức tương ứng là 247.681 tỷ đồng và 291.219 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến thời điểm cuối năm 2017 đã đạt 471.022 tỷ đồng cho thấy, các con số trên vẫn còn khiêm tốn. Khó khăn về nguồn vốn cho lĩnh vực này, theo bà Vũ Thị Lan Phương, đại diện Vietcombank, đó là việc đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao…
"Các tổ chức quốc tế đã quan tâm, có thông tin về những đơn vị đang triển khai tín dụng xanh và thường chủ động liên lạc. Dẫu vậy, trong quá trình làm việc, Vietcombank cảm nhận có sự rời rạc, thiếu gắn kết, thiếu đầu mối của các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ khi làm việc với các tổ chức quốc tế...”, bà Phương nói.
Cùng với đó là những nguyên nhân xuất phát từ nội tại của ngân hàng, dẫn đến việc triển khai ngân hàng xanh/tín dụng xanh gặp nhiều khó khăn. Một khảo sát của NHNN cho thấy, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định được nhìn nhận là trở ngại lớn nhất, những khó khăn từ yếu tố bên ngoài đến từ mức độ tăng trường của nền kinh tế, sự đồng bộ trong khung chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tính hiệu quả trong các nỗ lực bảo vệ môi trường…
Trong khi các ngân hàng 100% vốn sở hữu nước ngoài như HSBC, Standard Chartered… thường có đội ngũ chuyên gia nước ngoài sẵn sàng tư vấn trong lĩnh vực này khi có vấn đề quan ngại về môi trường và xã hội, thì nguồn lực cán bộ tại các ngân hàng cổ phần trong nước còn hạn chế. Trong số các ngân hàng thương mại lớn được khảo sát, Sacombank cho biết, chỉ có 1 cán bộ chuyên trách về đánh giá tác động môi trường - xã hội tại mỗi chi nhánh.
“Tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm công tác quản lý cũng là trở lực khá lớn, xuất phát từ quan niệm cho rằng hoạt động ngân hàng nhằm thu lợi nhuận tối đa, trong khi những lợi ích đầu tư cho môi trường chưa được nhận thức đầy đủ, mang tính dài hạn, đòi hỏi lãnh đạo ngân hàng phải có tầm nhìn chiến lược”, một chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nhất do biến đổi khí hậu. Với vai trò trung gian tài chính, ngành ngân hàng cần phải có trách nhiệm tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh để huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường”
Đồng quan điểm, bà Lê Phương Lan, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội. Trong đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường là đặc biệt quan trọng.
“Ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh…”, bà Lan nhấn mạnh.