“Ông lớn” ngân hàng: Chỗ dựa phát triển xanh của nền kinh tế

(ĐTCK) Doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ làm “đầu tàu” cho nền kinh tế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được vai trò này, thậm chí còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp nhà nước đã và đang là chỗ dựa để nền kinh tế phát triển xanh, ổn định.
“Ông lớn” ngân hàng: Chỗ dựa phát triển xanh của nền kinh tế

Xanh hóa tín dụng để tăng trưởng xanh

Trên thế giới, tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều các tổ chức tín dụng áp dụng. Chiến lược này giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo quá trình phát triển của tổ chức không làm tổn hại đến con người, nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Việc này cũng giúp bảo vệ danh mục tín dụng của các tổ chức khỏi những rủi ro kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới thân thiện với môi trường.

Thực tiễn thị trường quốc tế cho thấy, với vai trò là trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, do đó, sẽ đóng vai trò chiến lược trong tiến trình phát triển bền vững. Việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng “chảy” vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó mang lại những lợi ích cho xã hội.

Theo đó, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi liền với hiệu quả và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có các lĩnh vực, dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Các tổ chức tín dụng đã áp dụng chính sách quản lý rủi ro môi trường xã hội khá chặt chẽ như duy trì yêu cầu trong báo cáo thẩm định tín dụng phải có nội dung thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường. Trong đó, báo cáo phải đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến môi trường của quá trình sản xuất và biện pháp bảo vệ…

Cụ thể hơn, VietinBank đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban hành quyết định thành lập ban triển khai đề án; hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp để hướng tới các mục tiêu như: rà soát/cập nhật các nội dung của chính sách về quản lý môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho phù hợp với mô hình mới của Ngân hàng; xây dựng định hướng tín dụng hàng năm, trong đó có nội dung về quản lý môi trường; xây dựng hướng dẫn thẩm định môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Đồng thời, tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện “ngân hàng - tín dụng xanh” với những bước đi cụ thể thông qua tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động “ngân hàng - tín dụng xanh”; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm “ngân hàng - tín dụng xanh”, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; khuyến khích tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường góp phần phục vụ tăng trưởng xanh.

Hay như Vietcombank (VCB), nỗ lực trở thành biểu tượng về “một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng” bắt đầu từ hình ảnh nhận diện thương hiệu của Ngân hàng được thay đổi nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nhận định, thực tiễn quốc tế cho thấy, việc triển khai thành công các chính sách/chương trình tín dụng xanh hay không phụ thuộc nhiều vào bản thân các tổ chức tín dụng. Để triển khai thành công, một trong những yếu tố chính là phải có nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án.

Vững chắc nền tảng

Vietcombank đã chi trả cổ tức năm 2016 ở mức 8% bằng tiền mặt (800 đồng/cổ phần). Với cổ đông Nhà nước tại Vietcombank là Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ hơn 2.774 triệu cổ phần, tương đương 77,11%, theo đó, cổ đông Nhà nước thu về cho ngân sách hơn 2.219,5 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV (BID) với cổ đông Nhà nước đang nắm giữ 3.256,3 triệu cổ phần, tương đương 95,28% vốn điều lệ, chia cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ là 7%, cổ đông Nhà nước thu về hơn 2.279 tỷ đồng. Ngày thanh toán nhận cổ tức từ BIDV là 25/8/2017.

Còn tại Vietinbank (CTG), cổ đông Nhà nước đang chi phối 64,46% vốn, tương ứng với 2.400 triệu cổ phần CTG. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2016 là 7%, theo đó, cổ đông Nhà nước thu về khoảng 1.700 tỷ đồng.

Như vậy, cổ đông Nhà nước thu về khoảng 6.200 tỷ đồng cổ tức năm 2016 từ 3 “ông lớn” ngân hàng trên.

Câu chuyện các “ông lớn” trả cổ tức bằng tiền mặt năm nay có vẻ phẳng lặng khi năm trước có vụ tranh cãi “nảy lửa” trong việc trả cổ tức hay không trả cổ tức. Với tỷ lệ nắm giữ vốn chi phối, nguồn thu cổ tức bằng tiền mặt từ ngân hàng của cổ đông Nhà nước là không hề nhỏ. Nhưng ngân hàng rất cần tiền để tăng vốn điều lệ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, việc để lại lợi nhuận tăng vốn cũng phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước vấn đề ưu tiên trước tiên là ngân sách nhà nước đang thâm hụt, cuối cùng các "ông lớn" cũng đã phải thực hiện chi trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt cho ngân sách nhà nước, nên năm 2016 tiếp tục theo thông lệ.

Không những vậy, trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong năm 2016 được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố, VietinBank đứng vị trí thứ 6 trong Top 10 doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và liên tục nhiều năm nằm trong Top này. Tiếp theo trong danh sách này là Vietcombank xếp thứ 8, BIDV xếp thứ 9.

Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2016, kết quả kinh doanh năm 2017 vừa được các ngân hàng lớn công bố cho thấy, họ tiếp tục xứng đáng là trụ cột của hệ thống và nền kinh tế. Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, các tỷ suất sinh lời đều cải thiện với lợi nhuận trước thuế đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, hoàn thành 116% kế hoạch; tỷ lệ NIM đạt 2,47%; tỷ trọng thu ngoài lãi/tổng thu nhập đạt 25,2%. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCB đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 1/2018 ở mức 66.600 đồng/cổ phiếu, là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất trong số các tổ chức tín dụng niêm yết.

Với những chuyển biến tích cực, toàn diện hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của VietinBank năm 2017 ước đạt 9.206 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao, tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt là 12% và 1%. Tổng tài sản hợp nhất của VietinBank ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, hoàn thành 101% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

Tại BIDV, tổng tài sản cuối năm 2017 đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2016. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2016; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 8.800 tỷ đồng, hoàn thành 113,5% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Bên cạnh đó, các “ông lớn” cũng đang có sự ganh đua trong nỗ lực tiếp tục thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 10/1/2017 của Thống đốc NHNN nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ được giao của NHNN tại Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục