Nợ xấu ngân hàng diễn biến phức tạp
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tại thời điểm 15/8/2016 ở mức 2,58% tổng dư nợ. Trước đó, theo số liệu báo cáo của các đơn vị có liên quan, nợ xấu của các ngân hàng thương mại năm 2012 là 4,2%, sau khi thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu thì đến cuối năm 2015 đã giảm xuống 2,55%.
Rất nhiều nghiên cứu và giải pháp đã được đề xuất và triển khai thực hiện, bao gồm tự xử lý của các ngân hàng thương mại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2014 của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Theo ông Kiên, đến thời điểm tháng 10/2016, có 24.618 khoản nợ với tổng số tiền gần 250.000 tỷ đồng đã được VAMC mua về. Tuy nhiên, số nợ xấu được xử lý và thu hồi tiền về chỉ đạt khoảng 34.000 tỷ đồng, tương đương 13,6%, bao gồm cả các khoản tự thu hồi qua tái cấu trúc nợ của các ngân hàng thương mại và khách hàng tự nguyện trả nợ.
“Nợ xấu vẫn được coi là một nút thắt cơ bản đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như đối với quá trình chuyển hóa tiết kiệm thành vốn đầu tư, thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Kiên nói.
Cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh
Tại hội thảo “Tài chính xanh: Cơ hội và thách thức” do Ngân hàng Nhà nước và IFC phối hợp tổ chức đầu tuần này, ông Diệp Phi Yến, chuyên gia cao cấp, Ủy ban Điều hành, giám sát ngân hàng Trung Quốc chia sẻ, giai đoạn trước năm 2006, khi kinh tế Trung Quốc phát triển như vũ bão, nợ xấu tập trung trong lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, nhiệt điện tới 3%, có lúc lên đến 5%. Nhưng sau khi Chính phủ Trung Quốc hợp tác với IFC trong chương trình Cố vấn tài chính khí hậu, tín dụng đã hướng vào các dự án xanh và nợ xấu từ các chương trình này khoảng 0,4 - 0,6%.
Tại Việt Nam, ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng và phát triển bền vững, để triển khai nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 24/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
"Kinh nghiệm cho thấy, giai đoạn đầu triển khai tài chính xanh thì không cần nhiều nguồn lực, nhưng khi các ngân hàng muốn mở rộng quy mô, chắc chắn sẽ phải đầu tư thêm về nhân lực và tài chính"
- Bà Helen He, Quản lý Chương trình tài trợ năng lượng bền vững tại Trung Quốc của IFC.
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 03, đã có 11 tổ chức tín dụng cung cấp các sản phẩm tín dụng xanh cho khách hàng, với dư nợ đến cuối quý III/2016 đạt khoảng 81.000 tỷ đồng, gồm hơn 3 triệu món vay.
“Hoạt động đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng ngày càng được các tổ chức tín dụng chú trọng. Việc mở rộng các sản phẩm tài chính xanh cũng đang được các tổ chức tín dụng quan tâm”, ông Dương nói.
Vậy nhưng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng thời điểm tháng 6/2016 ở mức 2,7% và đang trong xu hướng tăng. Có lẽ, tín dụng xanh vẫn đang trong giai đoạn khởi động tại các ngân hàng nên chưa hỗ trợ được nhiều đến tiến trình giảm nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng.
Đại diện ABBank chia sẻ, ABBank cũng như nhiều ngân hàng khác quan tâm triển khai tín dụng xanh. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên gặp phải chính là nguồn tiền dành cho tín dụng xanh và nhân lực để phục vụ cho các dự án xanh này.
Đồng quan điểm, bà Helen He, Quản lý Chương trình tài trợ năng lượng bền vững tại Trung Quốc của IFC nhận xét, đây là vấn đề phổ biến ở nhiều ngân hàng trên thế giới khi triển khai tài chính xanh.
“Kinh nghiệm cho thấy, giai đoạn đầu triển khai tài chính xanh thì không cần nhiều nguồn lực, nhưng khi các ngân hàng muốn mở rộng quy mô, chắc chắn sẽ phải đầu tư thêm về nhân lực và tài chính”, bà Helen He nói.
Đại diện Ngân hàng Bắc Kinh cho rằng, tài chính xanh là xu hướng toàn cầu thì tất yếu các ngân hàng sẽ quan tâm thực hiện và đầu tư. Thực tế, IFC đã hỗ trợ nhiều ngân hàng, từ không đến biết về tài chính xanh, nghĩa là có thể mượn ngoại lực bên ngoài để thực hiện những bước đầu tiên.
Sau đó, liên kết đến các cơ quan của chính phủ, các bên liên quan, vì một mình ngân hàng không thể nắm hết, biết hết về dự án này. Tiếp theo, ngân hàng thể thuê thêm chuyên gia và dần dần tích lũy được kinh nghiệm.