Tín dụng xanh cùng nông nghiệp công nghệ cao

(ĐTCK) Nếu như giai đoạn trước, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn than khó khăn trong tiếp cận vốn thì năm 2018, tín dụng cho lĩnh vực này đã có nhiều kết quả tích cực.
Dòng tín dụng được khơi thông đang trải dài cơ hội cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Dòng tín dụng được khơi thông đang trải dài cơ hội cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Từ chủ trương, chính sách lớn…

Cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những cơ hội lớn để thay đổi phương thức sản xuất – kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam. Đây cũng là điều kiện cần để ngành nông nghiệp thực thi mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là trong 10 năm tới đưa nền nông nghiệp nước ta lên Top 15 quốc gia phát triển nhất thế giới.

Nhưng bên cạnh điều kiện cần là sự nỗ lực ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp thì điều kiện đủ là phải có nguồn vốn tín dụng - đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong một nền kinh tế mà khoảng 70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn hoạt động dựa vào vốn vay ngân hàng.

Theo đó, nhiều chính sách trên cơ sở xác định nông nghiệp công nghệ cao là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Ở góc độ cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 738 ngày 14/3/2017 quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Tiếp theo, ngày 24/4/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao với sự vào cuộc của 8 ngân hàng, trong đó các ngân hàng lớn như Agribank (triển khai gói cho vay 50.000 tỷ đồng), Vietcombank (10.000 tỷ đồng); Vietcombank (10.000 tỷ đồng)… và một số ngân hàng khác đã bước đầu hiện thực hóa các chủ trương, chính sách ưu tiên. 

… tới thực tiễn tháo gỡ mọi rào cản vốn

Dù vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. "Nút thắt" để được phê duyệt, giải ngân vốn nằm ở hai khía cạnh: Thứ nhất, phía đi vay phải có chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ hai, phần lớn các yêu cầu phê duyệt từ phía cho vay đều đặt điều kiện doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, đảm bảo khoản vay.

Tháng 4/2018, thấu hiểu cái khó của doanh nghiệp và ngân hàng khi “gặp” nhau, Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành quy định về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao với sự vào cuộc của 8 ngân hàng, trong đó các ngân hàng lớn như Agribank (triển khai gói cho vay 50.000 tỷ đồng), Vietcombank (10.000 tỷ đồng); Vietcombank (10.000 tỷ đồng)…    

Kế tiếp, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án…

Chủ trương của Chính phủ, cộng hưởng thực tế các chính sách Ngân hàng Nhà nước triển khai, đẩy mạnh nhiều giải pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo ưu tiên vốn cho các lĩnh vực như xuất khẩu - một trong những lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế; đồng thời là “cửa ra” cho nông nghiệp Việt cũng như vốn cho chính lĩnh vực nông nghiệp và khu vực có ứng dụng công nghệ cao đã mở ra cơ chế cho vay, thúc đẩy hoạt động đầu tư, khơi nguồn tín dụng xanh, mạnh hơn ở mảng nông nghiệp. 

Cho vay và kết nối: Gói tín dụng nông nghiệp đặc quyền HDBank

Hiện nay, theo đánh giá của giới đầu tư nông nghiệp, một trong những gói vay có tính lan tỏa và hiệu quả đòn bẩy tích cực là chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với tổng hạn mức lên tới 10.000 tỷ đồng của HDBank.

Đây có thể xem là gói cho vay điển hình đang triển khai đúng, trúng các yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được tiếp vốn.

Cụ thể, trong chương trình này, HDBank áp dụng lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi suất thông thường. Hạn mức cho vay có thể đạt tới 80% và doanh nghiệp được thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay. Kỳ hạn vay tối đa lên tới 10 năm.

Gói cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HDBank có hạn mức 10.000 tỷ đồng. 

Với đối tượng doanh nghiệp nuôi trồng và doanh nghiệp thu mua, chế biến… vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, hiệu quả, có nhu cầu đầu tư mở rộng hoặc đầu tư dự án mới ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (công nghệ lai tạo giống, trồng cây trong nhà kính; trồng cây theo phương pháp thủy canh và trên giá thể, vận dụng công nghệ tưới nhỏ giọt…), việc áp dụng các điều kiện cho vay tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của HDBank đã và đang có độ phủ lan rộng đến các khu vực, nhóm hàng nông nghiệp, theo độ phủ sóng của chính ngân hàng này, với gần 300 chi nhánh, phòng giao dịch và trên 13.000 điểm tiếp cận tài chính, “cắm rễ” sâu tại cả thành phố, vùng sâu, nông thôn.

Một điểm đáng chú ý và khác biệt trong gói vay của HDBank so với các chương trình khác, thể hiện sáng tạo và lợi thế của HDBank, là ngân hàng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đầu ra vào các siêu thị và xuất khẩu, kèm giải pháp tài chính chuyên biệt.

Theo thông tin được biết, một trong những đối tác lớn mà HDBank đang hợp tác phát triển theo chuỗi là Co-op Mart, nhà bán lẻ Việt Nam có hệ thống ở các tỉnh thành, gắn bó sâu với ngành nông sản Việt.

Ngoài ra, cùng hệ sinh thái đặc quyền, HDBank là một trong những cổ đông sáng lập Hãng hàng không Vietjet. Hãng hàng không này đang có kế hoạch đưa nông sản Việt lên độ cao 10.000 m, phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng nông nghiệp, nông sản của các khách hàng trên mọi chuyến bay.

Việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đưa nông sản Việt Nam ra năm châu với giá trị gia tăng cao là cả hành trình dài song song cùng chuyển đổi số của nền kinh tế.

Hành trình ấy đã khởi động thuận lợi và hứa hẹn một con đường xanh hơn, với sự vào cuộc của cả Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đi đầu như Agribank, Vietcombank, VietinBank, HDBank…, từ đó, trải dài thêm các cơ hội cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Đặng Khôi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục