Trái phiếu chậm trả gốc/lãi đã đạt đỉnh
Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới công bố của VIS Rating cho biết, tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc/lãi tính đến tháng 9/2023 là 175.000 tỷ đồng, phần lớn đến từ các ngành đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi cũng nhận thấy có sự tập trung về trái phiếu chậm trả gốc/lãi vào một số doanh nghiệp; 74% giá trị trái phiếu chậm trả gốc/lãi là từ các tổ chức phát hành trong ngành bất động sản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vài nhóm công ty lớn. Chúng tôi đánh giá rằng khả năng cao sẽ có thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới trong quý IV/2023”, VIS Rating cho biết.
Đáng chú ý, số lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đạt đỉnh ở quý I/2023 và sẽ giảm trong năm 2024 nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) đưa ra các cơ chế khắc phục hoặc trì hoãn tình trạng chậm trả.
Năm 2024, VIS Rating dự báo tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc, lãi phát sinh mới là 66.000 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với số phát sinh mới trong năm 2023.
Gia hạn trái phiếu tiếp tục là lựa chọn khả thi nhất
Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) cho phép tổ chức phát hành và các trái chủ có một số cơ chế để đàm phán khắc phục tình trạng chậm trả như gia hạn nợ, hoán đổi tài sản, thanh lý tài sản thế chấp. Trong đó, hơn 80% tổ chức phát hành đã đưa ra phương án gia hạn trái phiếu, với thời gian gia hạn trung bình 20 tháng, gần bằng mức tối đa 2 năm theo Nghị định 08.
Theo thống kê của VIS Rating, trong 9 tháng đầu năm 2023, có 148 trái phiếu với tổng giá trị 36.000 tỷ đồng đã lùi ngày đáo hạn và 75% số đó chỉ đạt được sự đồng ý của trái chủ trong vòng hai tháng trước ngày đáo hạn.
“Theo quan điểm của chúng tôi đây là một chỉ báo cho thấy việc gia hạn trái phiếu chủ yếu để tránh tình trạng chậm trả gốc/lãi và chúng tôi cho rằng cơ chế này giúp cho tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh cũng như dòng tiền của mình”, VIS Rating nhận định.
Trong năm 2024, phương án gia hạn trái phiếu tiếp tục là lựa chọn thích hợp được các tổ chức phát hành đề nghị với trái chủ. Lý do là vì đây là phương án ít phức tạp chỉ cần sự tham gia của hai phía và không gặp phải những vướng mắc về pháp lý hơn so với các phương án khác được Nghị định 08 cho phép thực hiện. Các phương án khác như hoán đổi tài sản hay thanh lý tài sản đảm bảo đều cần đến sự tham gia của bên thứ ba để thực thi các nghiệp vụ phức tạp như định giá tài sản, xử lý tài sản thế chấp, chuyển giao quyền sở hữu tài sản...
Gia hạn trái phiếu đang là phương án khả thi nhất |
Có một điểm đáng chú ý là hình thức gia hạn trái phiếu cũng được áp dụng phổ biến ở thị trường Trung Quốc khi khắc phục trái phiếu chậm trả gốc/lãi. Theo nghiên cứu của Moody’s, có 16 trên tổng số 37 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trái phiếu kể từ đầu năm 2021 đã thực hiện gia hạn trái phiếu và tránh tình trạng chậm trả gốc/lãi. Hình thức xử lý này được sự đồng thuận của cả trái chủ và tổ chức phát hành nhằm tránh quá trình kiện tụng kéo dài và tốn kém để tìm kiếm phương án giải quyết ngoài tòa án.
Theo thông tin VIS Rating thu thập được, quá trình xử lý trái phiếu chậm trả gốc/lãi không thông qua tòa án ở các thị trường mới nổi thường mất khoảng 9 tháng tính từ thời điểm xảy ra chậm trả, trong khi đó xử lý qua kiện tụng sẽ mất gấp ba lần thời gian.
Hiện tại, một vài trái phiếu chậm trả gốc/lãi sau quá trình đàm phán có sự điều chỉnh tăng lãi suất phiếu, bổ sung thêm các điều khoản ràng buộc chặt chẽ hơn hoặc bổ sung thêm các tài sản bảo đảm. Theo VIS Rating, đây là một điểm tích cực cho các trái chủ.
Tại thị trường Việt Nam có rất nhiều trái chủ là nhà đầu tư cá nhân và gặp nhiều hạn chế về khả năng truy đòi nợ đối với tổ chức phát hành. Vì thế việc đạt được thỏa thuận với tổ chức phát hành khi gia hạn trái phiếu và nhận được bồi thường một phần từ lãi suất coupon cao hơn có thể là phương án hiệu quả nhất để thu hồi giá trị đầu tư.