Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước lấy lại niềm tin cho phát triển dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) luôn được xác định là kênh dẫn vốn cơ bản, kết tạo nguồn vốn dài hạn bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển. Đối với nhà đầu tư, trái phiếu là kênh hiệu quả hơn gửi tiết kiệm và ít rủi ro hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn

Trên thế giới, thị trường trái phiếu đã vô cùng phát triển. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, thị trường chứng khoán nợ (debt security) đã tăng trưởng gấp 7 lần trong 40 năm qua.

Theo đó, tại cuối 2022, tổng giá trị thị trường trái phiếu toàn cầu là 133 nghìn tỷ USD. Hai nền kinh tế dẫn đầu về quy mô GDP là Mỹ và Trung Quốc, cũng là 2 nền kinh tế có vốn nợ lớn nhất.

Cụ thể, Mỹ là thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới với tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành năm 2022 đạt hơn 51 nghìn tỷ USD, chiếm 39% thị trường toàn cầu. Theo sau Mỹ, Trung Quốc đạt quy mô 20,9 nghìn tỷ USD, chiếm 16% thị trường trái phiếu toàn cầu; và đáng chú ý khi năm 2010 con số này chỉ là 3,1 nghìn tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng từ 13-16% và thậm chí hơn của thị trường vốn nợ cho thấy đòn bẩy vốn cho phát triển của các nền kinh tế, các tập đoàn đa quốc gia… gắn bó chặt chẽ và sâu rộng với trái phiếu.

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu vẫn còn non trẻ và chỉ mới tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Từ năm 2022 đến nay, thị trường với các vụ việc vi phạm đơn lẻ, đang được Chính phủ khu biệt, xử lý, song song ban hành các chính sách và tạo nền tảng để sau “gạn đục khơi trong”, đang nỗ lực hướng đến phát triển minh bạch, bền vững để đảm đương vai trò kênh dẫn vốn quan trọng, bên cạnh kênh tín dụng và các nguồn khác.

Quy mô còn khiêm tốn của thị trường trái phiếu Việt Nam được TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế dẫn chứng ở số liệu trong giai đoạn tăng trưởng mạnh vừa qua. Cụ thể, mặc dù có tốc độ tăng trưởng bình quân tới 46%/năm, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, như so với Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thailand (25% GDP)…

Theo đó, Việt Nam muốn có đòn bẩy để hướng đến có nền kinh tế phát triển, tất yếu sẽ phải khơi dẫn nguồn vốn trái phiếu thông suốt và bền vững.

Đây cũng đã và đang là tiền đề mà sau các vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thì các doanh nghiệp, nhà đầu tư đều đang mong đợi sẽ là một “chương mới” tươi sáng cho thị trường.

Lấy lại niềm tin cho dài hạn

Về những vụ vi phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xử lý, với khả năng thu hồi và đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho các nhà đầu tư, như Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định vừa qua, trên thị trường tài chính, niềm tin đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Do đó, lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia. Các hành động quyết liệt chính là việc thể hiện quyết tâm gây dựng lại niềm tin cho thị trường.

Trên thực tế, như Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ trên Cổng thông tin Bộ Tài chính: “Đánh giá một cách khách quan, thị trường TPDN đã có sự phát triển tích cực trong những năm gần đây”.

Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, quy mô thị trường vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra (đến năm 2025 dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP), cũng như còn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

“Dù đã có sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, nhưng thị trường TPDN Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Trong quá trình đó, thị trường sẽ trải qua giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, khởi nguồn từ “lượng” và chuyển dần sang tăng về “chất”, Bộ trưởng nói.

Để thúc đẩy thị trường tăng về “chất”, hành lang pháp lý cho thị trường với các nghị định đã được Chính phủ ban hành. Thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ đã chính thức vận hành, là một phần trong nỗ lực của Chính phủ để kiểm soát và từng bước chuẩn hóa thị trường.

Quan trọng hơn, việc tăng “lượng” trái phiếu niêm yết trên sàn hơn 1.300 mã tới đây, cũng đi cùng với việc tăng “chất” cho thị trường, khi các quy định về đăng ký lưu ký, niêm yết, giao dịch trái phiếu trên sàn đều hướng đến tạo thuận lợi thanh khoản và môi trường thông tin minh bạch.

Qua đó, nhà đầu tư đã có thể yên tâm hơn khi lựa chọn, nắm giữ trái phiếu ngay từ phát hành sơ cấp hoặc tái cơ cấu danh mục trái phiếu nếu đảm bảo điều kiện giao dịch thứ cấp, rồi dần dần tăng tỷ suất sinh lời và tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo khẳng định của các chuyên gia, kinh nghiệm của thị trường tài chính thế giới đến Việt Nam đều đã chứng minh, trái phiếu là kênh dẫn vốn cần thiết cho doanh nghiệp và cả chính phủ để phát triển nền kinh tế.

Ở góc độ nguồn vốn, trái phiếu tạo kênh dẫn vốn trung và dài hạn, phổ biến từ 3-5 năm và thậm chí 10 năm hoặc hơn, khác với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài phổ biến cũng chỉ 12 tháng.

Ở góc độ nhà đầu tư, trái phiếu lại cũng là kênh đầu tư có hiệu quả cao hơn gửi tiết kiệm, lợi nhuận từ trái phiếu được cố định trước và rủi ro thường thấp hơn so với đầu tư cổ phiếu.

“Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu chính phủ, trái phiếu của các ngân hàng, định chế tài chính, các công ty niêm yết, các doanh nghiệp lớn, có uy tín, công khai minh bạch thông tin hoặc nhóm trái phiếu có đảm bảo, bảo lãnh thanh toán. Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu thông qua các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp các thông tin về mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành”, chuyên gia khuyến nghị.

Đặng Khôi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục