Vinaconex “sửa sai” cho quá khứ nhiều tham vọng

Vinaconex đã và đang thoái vốn ồ ạt từ nhiều dự án bất động sản. Thực tế này cho thấy, danh mục đầu tư vào lĩnh vực địa ốc trong nhiều năm qua của doanh nghiệp này vừa tham vọng, vừa dàn trải.
Vinaconex “sửa sai” cho quá khứ nhiều tham vọng

Trung tuần tháng 3/2014, HĐQT Tổng CTCP Vinaconex có quyết định số 054/2014/QĐ-HĐQT về việc tái cấu trúc phần vốn của Vinaconex tại CTCP Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Vinaconex (Vinaconex Real).

Theo đó, ngay trong tháng 3, Tổng công ty sẽ chào bán toàn bộ 360.000 cổ phần tại Vinaconex Real cho các nhà đầu tư quan tâm dưới hình thức chào bán riêng lẻ, cạnh tranh.

Ngành nghề kinh doanh của Vinaconex Real, gồm các dịch vụ sàn giao dịch BĐS; môi giới BĐS; định giá BĐS; tư vấn BĐS; đấu giá BĐS; quảng cáo BĐS; quản lý BĐS và dịch vụ tư vấn đầu tư.

Vinaconex Real được thành lập tháng 10/2009, với 3 cổ đông sáng lập là Vinaconex, CTCP Đầu tư phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) và Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Vinaconex Real có thể xem như một dạng “con lai cháu” của Vinaconex, khi cả Vinaconex ITC và Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel đều là đơn vị có cổ phần vốn góp của Vinaconex. Trong đó, thông tin về Vinaconex ITC (được thành lập từ Ban Quản lý dự án Cái Giá - Cát Bà thuộc Vinaconex trước đây) cũng đang là mối quan ngại lớn với các ngân hàng và cổ đông, khi đơn vị này đứng trước nguy cơ bị sa lầy tại Dự án Cát Bà Amatina (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải,TP. Hải Phòng).

Quyết định của HĐQT Vinaconex thoái vốn khỏi Vinaconex Real có thể xem chỉ là “chuyện nhỏ”, nếu xét nó với tư cách là một sự kiện riêng lẻ. Khoản vốn góp của Vinaconex ở Vinaconex Real không lớn. Vinaconex Real cũng không phải là chủ đầu tư các dự án BĐS hoặc chủ thầu xây dựng lớn có thể làm ảnh hưởng đến mô hình hoạt động hay nhân sự của Vinaconex.

Vinaconex Real được thành lập với mục đích làm đơn vị bán hàng cho các dự án BĐS của Vinaconex. Vào lúc Vinaconex Real ra đời năm 2009, thời điểm hoàng kim của thị trường BĐS, nó giúp Vinaconex “làm tất, ăn cả”, với các dự án BĐS của mình. Nhưng rất nhanh sau đó, việc duy trì hoạt động của đơn vị này lại trở thành gánh nặng. Việc thoái vốn khỏi đây một lần nữa cho thấy, danh mục đầu tư của Vinaconex vừa đa dạng, vừa dàn trải trong một thời gian dài.

Trước đó, trong quý IV/2013, Vinaconex cũng đã thực hiện thoái vốn khỏi Dự án Xi măng Cẩm Phả (bán 70% cổ phần, với giá trị 337,6 tỷ đồng cho Tập đoàn Viettel).

Cuối năm 2012, Vinaconex cũng đã thoái vốn tại Dự án Khu đô thị Park City (Hà Đông, Hà Nội) thông qua việc chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ) tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành (Vinaconex Hoàng Thành) - chủ đầu tư Dự án cho Công ty Perdana (thuộc Tập đoàn Samling khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia). 

Giữa năm 2013, Vinaconex cũng chào bán cổ phần tại Dự án Khu đô thị Splendora, mà chủ đầu tư là An Khánh JVC, liên doanh giữa Vinaconex với Posco E&C (Hàn Quốc). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn điều lệ tại dự án khu đô thị (rộng 246 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD) này. Tuy nhiên, đến nay, chưa có đơn vị nào  mua lại cổ phần tại An Khánh JVC của Vinaconex.

Cho dù đã và đang thoái vốn khỏi nhiều dự án, nhưng Vinaconex vẫn là một trong những nhà đầu tư BĐS lớn nhất tại Hà Nội, với hàng loạt dự án, như Dự án Đầu tư xây dựng công trình tại 423 Minh Khai, Hà Nội (liên kết với  Dệt Minh Khai); Cụm nhà ở hỗn hợp tại Lô B3 - Khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý (TP. Đà Nẵng); Dự án Khu đô thị tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội (liên doanh Vinaconex - Viettel - Hòa Phát - Ngân hàng ACB, trong đó Vinaconex sở hữu  26% vốn điều lệ)... Hầu hết các dự án đều mới bắt đầu triển khai xây dựng.

Mối quan tâm của dư luận đến Vinaconex đang ngày một tăng, khi các cổ đông lớn, đã từng tham gia HĐQT, Ban giám đốc cũng liên tục thực hiện việc bán cổ phần của doanh nghiệp này, dù cổ phiếu VCG liên tục tăng giá trong những ngày gần đây.

Hà Quang - Kỳ Thành(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục