Vinaconex vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và lũy kế năm 2013. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2013, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty là 550,12 tỷ đồng, trong đó riêng quý IV/2013 là 381,57 tỷ đồng. Đặc biệt, trong quý IV/2013, Vinaconex ghi nhận mức lợi nhuận đột biến từ hoạt động chuyển giao tài sản Dự án Xi măng Cẩm Phả cho Công ty Xi măng Cẩm Phả với giá trị 337,6 tỷ đồng.
Lý giải về con số lợi nhuận hơn 550 tỷ đồng của Vinaconex trong năm 2013, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, năm 2013, lĩnh vực xây lắp đã đem lại phần lớn lợi nhuận cho Tổng công ty, bù cho bất động sản tạm thời đóng băng. Tỷ trọng doanh thu thuần từ xây dựng, xây lắp của Vinaconex tăng từ mức 3,09% (năm 2012) lên 60,12% (năm 2013), tương đương 6.820,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản giảm từ 1.778,5 tỷ đồng (năm 2012) xuống còn 1.070,7 tỷ đồng (năm 2013). Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tư vấn không có nhiều biến động. Tính đến cuối năm 2013, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 11.345,1 tỷ đồng, giảm 1.320,3 tỷ đồng so với năm 2012.
Năm 2013, lợi nhuận từ hoạt động tài chính, lãi từ tiền gửi, cho vay của Vinaconex giảm từ mức 150 tỷ đồng xuống còn 54 tỷ đồng. Cổ tức và lợi nhuận được chia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012 (đạt 159 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Tổng công ty còn lãi từ hoạt động bán chứng khoán là 8,4 tỷ đồng so với năm 2012 (không có lãi). Tổng công ty cũng cơ cấu lại các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn từ 7,3 tỷ đồng năm 2012, xuống còn 956 triệu đồng. Chi phí lãi vay của Vinaconex năm 2013 giảm 305,7 tỷ đồng so với năm 2012, do biến động đi xuống của lãi suất ngân hàng.
Mặc dù doanh thu thuần năm 2013 thấp hơn năm trước, nhưng Vinaconex vẫn có mức lãi tăng 683% so với năm 2012 là do đã cắt giảm hơn 1.600 lao động, giảm sức ép cho quỹ lương lưởng, khiến chi phí quản lý của Tổng công ty giảm từ 800 tỷ đồng của năm 2012 xuống còn 420 tỷ đồng trong năm 2013.
Về kinh doanh bất động sản, cuối năm, Vinaconex đã hoàn thành việc thoái vốn tại Dự án Khu đô thị Park City (Hà Đông, Hà Nội). Theo đó, Vinaconex chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành (Vinaconex Hoàng Thành) - chủ đầu tư Dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho Công ty Perdana (thuộc Tập đoàn Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia). Sau khi chuyển nhượng, Park City trở thành dự án 100% vốn nước ngoài thuộc Perdana.
Năm 2013, Vinaconex cũng chào bán Dự án Khu đô thị Splendora (chủ đầu tư là An Khánh JVC - liên doanh giữa Vinaconex với Posco E&C - Hàn Quốc). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn điều lệ tại dự án khu đô thị 246 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, chưa có đơn vị nào nhận chuyển nhượng cổ phần tại An Khánh JVC của Vinaconex.
Mặc dù đã và đang tìm cách thoái vốn khỏi một số dự án, nhưng Vinaconex vẫn là một trong những “đại gia” bất động sản khi có trong tay một loạt dự án bất động sản khác gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình 423 - Minh Khai, Hà Nội (liên kết với Dệt Minh Khai); cụm nhà ở hỗn hợp tại Lô B3, Khu đô thị mới Nam cầu Trần Thị Lý (TP. Đà Nẵng); Dự án Khu đô thị tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội (Liên danh Vinaconex - Viettel - Hòa Phát - Ngân hàng ACB, trong đó Vinaconex chiếm 26% vốn điều lệ); Dự án Cát Bà Amatina (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng).
Tuy nhiên, các dự án trên có vẻ sẽ là nỗi lo hơn là niềm vui của Vinaconex trong 2014, khi việc triển khai các dự án đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn trong khi thị trường bất động sản chưa thực sự khả quan.