Thách thức song hành cơ hội
Phát biểu tại hội thảo, Joseph Incalcaterra, Chuyên gia Kinh tế Trưởng về các thị trường ASEAN, thuộc Khối Nghiên cứu Tập đoàn HSBC cho biết, chỉ số PIM thu hẹp cho thấy kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Trung Quốc cũng đang từng bước đưa ra các chính sách để thay đổi tình hình kinh tế, tuy nhiên chưa có nhiều chuyển biến.
"Tác động đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên các nước gấp đôi, trong đó có Việt Nam. Vì thế, nếu Việt Nam xác định và có chiến lược rõ ràng thì sẽ rất có lợi", ông Joseph nói và cho rằng, trước mắt Việt Nam cũng phải chịu những áp lực nhất định, song về dài hạn Việt Nam sẽ được hưởng những tác động tích cực.
Nguồn vốn FDI của Trung Quốc sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Từ 2016, Việt Nam nhận được vốn FDI tương tự như các nước trong khu vực, nhưng kể từ năm 2018 đến nay, con số này đã cao vượt trội.
Tỷ trọng hàng nhập khẩu của Việt Nam cũng cao hơn so với trước đây. Điều này có nghĩa là sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng, song ngành dịch vụ cũng tăng không thua kém khi Việt Nam đã thu hút được 15 triệu khách du lịch quốc tế.
Mặt khác, xuất khẩu của khối nội địa của Việt Nam cũng bắt đầu có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bên cạnh EU và Trung Quốc.
Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ trong những năm qua chủ yếu là hàng dệt may. Tuy nhiên, đa số vẫn là xuất sang EU, còn Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng xuất khẩu khoảng 18% trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may.
Các Hiệp định của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực vào năm sau, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ cũng như các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, Joseph Incalcaterra cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam sẽ có những thách thức trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa lắng dịu. Bởi Việt Nam khá phụ thuộc vào hàng dệt may xuất khẩu nên cần gia tăng hàng nội địa.
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) cũng đưa ra nhận định, Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy được những thách thức từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bởi Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu từ các nước láng liềng.
Tuy nhiên, Việt Nam đang bù đắp được thâm hụt thương mại với Trung Quốc khi tăng xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng về dài hạn Việt Nam cũng phải có sự lựa chọn hơn.
Hạ tầng vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế
Bà Amanda Rasmussen, Giám đốc Vận hành của Indotrans và Chủ tịch AmCham Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra cũng có những tác động tích cực đối với Việt Nam và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ chuyển sang Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch AmCham Việt Nam, một khi nguồn vốn FDI chuyển vào thì các nhà đầu tư cũng quan tâm đến hạ tầng và logictic. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến phát triển cơ sở hạ tầng.
"Hạ tầng Việt Nam hiện cũng đã phần nào cải thiện so với những năm trước. Tuy nhiên, muốn thu hút thêm nguồn vốn FDI, Việt Nam cần phải có sự cải thiện hơn về hạ tầng", bà Amanda nói.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, cơ sở hạ tầng là điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam.
Chằng hạn, với đoạn đường cao tốc Dầu Giây – Long Thành hiện nay đã tắc nghẽn và có thể mất đến 2 giờ đồng hồ mới có thể di chuyển được.
Tuy nhiên, theo ông Hải, ở thị trường nào cũng có thách thức, nhưng nếu chúng ta biết thích ứng và ứng phó được với những thách thức đó thì chắc hẳn sẽ đạt được hiệu quả.
Cũng theo ông Hải, thương chiến Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu chứ không hẳn chỉ có Việt Nam. Việt Nam đang được hưởng lợi khi có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thế nhưng, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược để đối phó với các thách thức diễn ra trong dài hạn.