Lý do là Cơ quan soạn thảo Luật và Cơ quan thẩm định Luật đều thống nhất, việc này giao cho Chính phủ quy định cụ thể nhằm tạo nên sự thống nhất giữa các dự án Luật đang đồng thời được xem xét, sửa đổi tới đây.
Mặc dù cơ quan soạn thảo Luật và thẩm định Luật đều ghi nhận rằng, có nhiều ý kiến, đề xuất về việc nên gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) cao hơn mức hiện hành, nhưng bối cảnh sửa nhiều Luật cùng lúc khiến việc định danh cụ thể về room đã không được nêu lên trong dự án Luật Chứng khoán.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, khi Luật Chứng khoán không có quy định riêng thì không gian đầu tư của vốn ngoại sẽ được điều chỉnh theo Luật Ðầu tư.
Vậy dự thảo Luật Ðầu tư định danh như thế nào về không gian đầu tư của khối ngoại?
Trong tờ trình Quốc hội tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật Ðầu tư đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Danh mục mới bao gồm 2 loại: Ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài 2 danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Bản dự thảo tháng 10/2019 về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ðầu tư đã công bố phụ lục 236 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, sau khi Cơ quan soạn thảo bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bản dự thảo cũng quy định: “Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Ðiều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài”.
Như vậy, quyền công bố danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo từng giai đoạn sẽ được trao cho Chính phủ và tỷ lệ đầu tư cụ thể cũng được trao cho Chính phủ, chứ không được định danh ngay trong dự án Luật Ðầu tư và Luật Chứng khoán.
Nếu dự án Luật Chứng khoán và Luật Ðầu tư được Quốc hội thông qua như hiện tại, không gian đầu tư của khối ngoại sẽ chỉ được làm mới khi Chính phủ ban hành một nghị định mới, làm rõ tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời với việc quy định rõ các doanh nghiệp đại chúng có ngành nghề kinh doanh không bị hạn chế sẽ tự động nới room lên 100%, mà không cần thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NÐ-CP không hạn chế khối ngoại đầu tư vào các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh không thuộc các ngành nghề kinh doanh, đầu tư có điều kiện.
Nghị định 60 cũng đồng thời trao quyền cho đại hội đồng cổ đông của các công ty cổ phần được quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại.
Theo đó, nếu đủ điều kiện, doanh nghiệp chỉ cần được đại hội đồng cổ đông thông qua là có thể đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nâng room. Nghị định 60 đã áp dụng trong thực tiễn hơn 4 năm, nhưng mới có 42 doanh nghiệp niêm yết nới room lên 100%.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 379 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE; 363 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX và 850 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM. Khối ngoại đang sở hữu khoảng 20% vốn hóa toàn thị trường.
Trong câu chuyện về room, trong khi thị trường chờ đợi một con số mới, tỷ lệ mở cụ thể bao nhiêu, thì trên bình diện vĩ mô, vấn đề không phải là tỷ lệ, mà ở việc nên mở với ngành nào, cách thu hút vốn ngoại nên như thế nào để vừa tận dụng được lợi thế của nhà đầu tư chuyên nghiệp, vừa hỗ trợ được các doanh nghiệp nội địa đứng vững và vươn lên.