Mở rộng góc nhìn cơ hội đầu tư

(ĐTCK) Giới thiệu hình ảnh cụ già đậm chất quê với gương mặt vui tươi, phúc hậu đang chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại thông minh, VinaCapital diễn tả một thông điệp: công nghệ đang làm thay đổi mọi thứ. Tập đoàn đang quản lý 3,3 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam này đã nhìn ra xu hướng đó và quyết định mở thêm loại quỹ mới: VinaCapital Ventures, để huy động vốn, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và chuyển đổi số khắp Việt Nam…
Mở rộng góc nhìn cơ hội đầu tư

Cơ hội hiện hữu

Nhiều nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có mặt tại Hà Nội sáng 10/10/2019, để tham dự Hội nghị đầu tư do VinaCapital tổ chức.

Bức tranh về TTCK Việt Nam, các cơ hội đầu tư đã được chia sẻ với nhà đầu tư quốc tế và nhận lại nhiều sự quan tâm đến cả 3 kênh rót vốn vào Việt Nam: đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, đầu tư thông qua hệ thống các quỹ.

Mở rộng góc nhìn cơ hội đầu tư ảnh 1

Bức tranh thị trường việt nam qua các con số.

Hội nghị được tổ chức đúng ngày Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố khiến nhà đầu tư ngoại hào hứng hơn với các cơ hội được chia sẻ tại đây.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital cho biết, yếu tố khiến nhà đầu tư ngoại muốn tìm cơ hội ở Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, giá trị đồng nội tệ biến động không đáng kể so với một số thị trường khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Mở rộng góc nhìn cơ hội đầu tư ảnh 2

Thị trường việt nam trong mối tương quan với các thị trường khu vực.

Về định giá, thực ra, thị trường Việt Nam đã không còn rẻ nữa khi chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) đang tiệm cận về vùng 16-17 lần, như tại các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, điểm mà thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn các thị trường khác có lẽ là ở chỗ, định giá tại thị trường Việt Nam không đồng đều (các cổ phiếu vốn hóa lớn có định giá cao hơn hẳn khu vực vốn hóa vừa và nhỏ), đồng thời không gian đầu tư cho nhà đầu tư ngoại mới mở “nho nhỏ” (mới có 42 doanh nghiệp nới room lên 100% trên tổng số gần 1.600 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán), cho thấy cơ hội tiềm ẩn còn rộng.

Thống kê của VinaCapital cho ra một kết quả thú vị: Các cổ phiếu niêm yết trên sàn Hà Nội dường như đang được định giá thấp hơn khá nhiều so với sàn HOSE.

Cụ thể, nếu như các DN niêm yết trên HOSE có chỉ số P/E bình quân là 16,7 lần, thì sàn Hà Nội, chỉ số này chỉ có… 7,3 lần. Trong khi đó, so với giá trị vốn hóa thì thanh khoản của sàn Hà Nội lại cao gấp đôi sàn TP.HCM, lần lượt ở mức 0,2% và 0,1%/ngày.

Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại (bình quân) tại HNX là 16,4%, trong khi tại HOSE là 24,7%. Sự khác nhau căn bản của sàn niêm yết HOSE và HNX là ở quy mô vốn hóa. Nếu như sàn HOSE, vốn hóa đến 31/8/2019 là 143,2 tỷ USD, thì sàn niêm yết Hà Nội mới đạt 8 tỷ USD.

Riêng sàn UPCoM, hiện do HNX tổ chức vận hành, có vốn hóa 44,4 tỷ USD, với định giá PE 8,8 lần, thấp hơn sàn niêm yết HOSE và cao hơn sàn niêm yết HNX.

Tuy nhiên, điểm yếu của sàn này là thanh khoản quá thấp, khi giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 0,02% so với giá trị vốn hóa.

Bức tranh 3 sàn như trên cho thấy, dòng vốn ngoại dường như mới chú trọng vào các DN trên HOSE, chưa khai phá cơ hội ở khối DN vừa và nhỏ niêm yết, khi khối này định giá khá thấp và không gian cho vốn đầu tư nước ngoài còn “rộng mênh mông”.

Cơ hội ở góc khác

Bên cạnh các quỹ hiện có, Vina Capital chia sẻ thông tin về các quỹ mới để gọi vốn đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, cuối năm 2019, Tập đoàn sẽ lập quỹ ETF trên cơ sở chỉ số VN100, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư cho Quỹ VinaCapital Ventures.

Mở rộng góc nhìn cơ hội đầu tư ảnh 3

Nhiều nhà đầu tư quốc tế đã đến Hà Nội, tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Nếu như quỹ ETF có mục tiêu đầu tư thụ động, nương theo chỉ số VN100, thì Quỹ VinaCapital Ventures (ra đời tháng 8/2018) săn tìm các cơ hội từ lĩnh vực công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện mới chỉ có 6% tổng số chi nhánh ngân hàng vận hành và phục vụ ở vùng nông thôn, khiến 60% dân số không sử dụng được dịch vụ ngân hàng; trong lĩnh vực y tế, vùng nông thôn không được phục vụ, tiếp cận và chịu chi phí cao, vì 90% bệnh viện quốc gia là ở 2 thành phố lớn…

Đặc biệt, lĩnh vực logistics, tỷ lệ hoàn trả trống cho xe tải lên đến 70%, dẫn tới sử dụng không hiệu quả, trong khi tổng chi phí logistics chiếm tới 25% GDP, quá cao so với mức 10-15% tại nhiều quốc gia trong khu vực…

Đây là những không gian thị trường mà Quỹ Ventures muốn kết nối dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế để tạo nên sự thay đổi, lấp dần các khoảng trống trong bức tranh khập khiễng về nhiều mảng ngành tại Việt Nam.

Hiện quỹ này giải ngân được 20 triệu USD đầu tiên vào một số DN như An Vui, Urbox, Fastgo, Validus… và đang xem xét 8 khoản đầu tư với dự kiến giải ngân khoảng 55 triệu USD.

Với các cổ phiếu hết room, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sang tên để thay đổi sở hữu với mức giá cần trả thêm khi mua là khá cao (MWG là 25%; MBB là 20%; FPT, PNJ, ACB, REE khoảng 15%...).

Vậy chọn lựa đầu tư nên như thế nào trong thời gian tới? Dù không chia sẻ một lời khuyên cụ thể với các nhà đầu tư ngoại, nhưng câu chuyện về đầu tư tại Việt Nam mà VinaCapital “kể” ra cho thấy, bên cạnh việc TTCK còn cơ hội khi các DN đồng loạt nới room, thì khối DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Nếu xây dựng được niềm tin đầu tư, vốn sẽ được kết nối vào Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, chỉ cần các nhà đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị rót thêm 1 tỷ USD vào TTCK Việt Nam, thị trường sẽ có những chuyển biến khác hẳn.

Bên cạnh yếu tố tiên quyết là sự ổn định và tăng trưởng cao của nền kinh tế vĩ mô, ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính, UBCK sẽ quyết liệt thúc đẩy các DN đại chúng lên sàn (hiện còn 755 DN), thúc các DN minh bạch và quản trị theo quy chuẩn pháp luật, để tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ