Hướng mới gỡ vướng nới “room“

(ĐTCK) Ban soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã đưa ra hướng mới về gỡ vướng cho cơ chế thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam (nới room).
Hướng mới gỡ vướng nới “room“

Ðề xuất nới 100%, ngoại trừ một số trường hợp

Vướng mắc về nới room từ lâu vẫn chưa có lời giải khả thi, nên nỗ lực cải thiện khả năng hút vốn ngoại chưa có những bước tiến như kỳ vọng.

Ðể tháo gỡ vướng mắc cho nới room, theo một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Ban soạn thảo đề xuất, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là không hạn chế, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Ngoại trừ quỹ mở, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế...

Nội dung trên, theo nhìn nhận của một số thành viên thị trường, là chưa rõ ràng và tính khả thi không cao. Bởi lẽ, với các doanh nghiệp niêm yết, thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ngày hôm trước là 51%, nhưng hôm sau có thể giảm xuống dưới mức này, thậm chí tỷ lệ 51% biến động hàng giờ.

Vậy căn cứ vào đâu để xác định nghĩa vụ tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế? Nếu nội dung này không được làm rõ, thì nút thắt về nới room vẫn khó được gỡ.

Ðặc biệt, theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, pháp luật chứng khoán hiện hành điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty đại chúng, nhưng Luật Ðầu tư lại điều chỉnh về địa vị pháp lý của các công ty này khi tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đạt từ 51% trở lên. Do đó, giải pháp nới room trên khó có thể thực hiện được.

“Ðể khắc phục bất cập trên, cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi nội dung: Sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư; điều kiện và thủ tục đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư.

Cùng với đó, sửa Ðiều 23, Luật Ðầu tư theo hướng không áp dụng với công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và quỹ đầu tư (những đối tượng điều chỉnh chuyên biệt của Luật Chứng khoán)”, ông Dominic Scriven đề xuất. 

Vẫn chờ lời giải khả thi

Một lãnh đạo UBCK cho hay, thông qua rất nhiều vòng ghi nhận ý kiến góp ý từ nhiều phía cho dự thảo Luật Chứng khoán, đến nay Ban soạn thảo chưa nhận được lời giải tối ưu nào cho bài toán nới room.

Cái khó nằm ở chỗ, Luật Ðầu tư quy định, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Trả lời câu hỏi, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên trong bao lâu thì tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo UBCK cho biết, cơ quan này đang đề xuất 1 năm.

Tuy nhiên, đó là với thế hệ doanh nghiệp F1, vậy còn khi hình thành các doanh nghiệp thế hệ F2, F3…, thì xử lý ra sao bài toán room ngoại? Ðây là vấn đề mà chính cơ quan quản lý thị trường chứng khoán hiện cũng chưa có lời giải khả thi. Bởi vậy, Ban soạn thảo kỳ vọng, khi dự thảo luật được đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu vào tháng 5 tới sẽ có những ý tưởng mới mang tính đột phá nhằm đưa ra giải pháp khả thi cho bài toán nới room. 

Sẽ cân nhắc áp dụng NVDR

“Sẽ không có một lời giải tối ưu nào cho bài toán nới room. Do đó, nếu tiếp tục tình trạng đi tìm điều gần như không có này, thì bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Vấn đề không ổn nằm ở chỗ, chúng ta đang muốn một giải pháp mà phải được thật nhiều, nhưng mất rất ít”, lãnh đạo một công ty chứng khoán niêm yết nhìn nhận. Vị lãnh đạo công ty này cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc mở ra cơ chế cho phép phát hành sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) là một giải pháp phần nào tháo gỡ vướng mắc nới room.

Trên thực tế, thời gian qua, NVDR đã được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nghiên cứu từ kinh nghiệm của Thái Lan, nhưng do có nhiều ý kiến trái chiều, nên ý tưởng này đã không được thúc đẩy tiếp.

Liệu có tái khởi động ý tưởng triển khai cơ chế NVDR? Một lãnh đạo UBCK cho hay, từ thực tiễn kinh nghiệm quốc tế, giải pháp này góp phần thu hút vốn ngoại. Với điều kiện thực tiễn hiện tại của Việt Nam, trong định hướng phát triển sản phẩm mới cho thị trường, NVDR đang được tính đến. UBCK đang chờ HOSE khẳng định thêm tính phù hợp và khả thi của sản phẩm này trước khi đi đến lựa chọn có triển khai hay không.

Nên luật hóa cơ chế phát hành, giao dịch NVDR

Hướng mới gỡ vướng nới “room“ ảnh 1

 Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital.

Luật Chứng khoán sửa đổi nên luật hóa về phát hành NVDR, quyền biểu quyết của tổ chức nắm giữ NVDR và tổ chức thị trường giao dịch đối với NVDR.

Sở dĩ Việt Nam nên mở ra cơ chế cho NVDR vận hành, vì giải quyết được cả 2 vấn đề: Chính phủ vẫn hạn chế được tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành, cũng như điều ước quốc tế, đồng thời không làm thay đổi địa vị pháp lý (nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài) của doanh nghiệp khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 51%. Cơ chế mới này sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty đại chúng, công ty niêm yết khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức tối đa theo luật định.

Quy định như dự thảo là chưa ổn

Hướng mới gỡ vướng nới “room“ ảnh 2

 Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB).

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi quy định: “Ngoại trừ quỹ mở, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế”.

Trên thực tế, các doanh nghiệp khi niêm yết trên TTCK có tính biến động nhanh về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong một phiên giao dịch, có những doanh nghiệp ở thời điểm đầu phiên có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51%, nhưng cuối phiêu là trên 51% và hoàn toàn có thể thay đổi về dưới 51% trong phiên ngay sau đó.

Vì vậy, nếu quy định như dự thảo, thì dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các điều kiện và thủ tục theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc kinh doanh chứng khoán liên tục mỗi khi có sự thay đổi vốn điều lệ từ dưới 51% lên trên 51%.

Ðể giải quyết vấn đề này, VASB đề xuất, dự thảo Luật quy định theo hướng: Ðối với các doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 51% trở lên ổn định trong 6 tháng hoặc 1 năm, thì mới phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục