Chưa đến 5% Doanh nghiệp nới room
Ngày 1/9/2015, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của nghị định này là quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác đối với công ty đại chúng không hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc chưa có quy định cụ thể.
Đây được xem là bước đột phá về giới hạn sở hữu cho NĐTNN trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt với nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng cạn “room”. Trước đó, quy định chung với các doanh nghiệp là tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tối đa không quá 49%, dù không thuộc nhóm có điều kiện.
Nghị định 60 cũng đồng thời trao quyền cho đại hội đồng cổ đông - tổ chức quyền lực cao nhất của công ty cổ phần (CTCP) được quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại. Theo đó, nếu đủ điều kiện, doanh nghiệp chỉ cần được đại hội đồng cổ đông thông qua là có thể nâng room.
Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất nới room lên 100%.
Lập tức, nhà đầu tư ngoại Daiwa Securities Group Inc đã liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại SSI, đồng thời Quỹ Market Vectors Vietnam ETF cũng thêm công ty này vào danh mục trong kỳ rà soát, cơ cấu sau đó, tạo nên đợt tăng giá tích cực cho thị giá cổ phiếu trên thị trường.
Tiếp sau SSI, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng tiến hành đại hội đồng cổ đông, trình thông qua các kế hoạch mở room như EVE, HCM, VNM, PAN…
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động xin rút bớt ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm bị hạn chế, cơ cấu lại tổ chức hoạt động để đủ điều kiện mở room.
Tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, một số trường hợp nới room lên 100% đã hoàn tất và tạo hiệu ứng giao dịch tích cực có thể kể đến như CTCP Thép Việt Ý (VIS), CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) hay mới nhất là CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa (100%) trong ngày 4/9.
Trong khi đó, tại CTCP Tập đoàn Kido (KDC) và CTCP Phân bón hóa chất Dầu khí (DPM), dù đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua nới room, thậm chí ngay sau Đại hội, DPM đã có công văn gửi UBCK và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc rút 3 ngành kinh doanh và điều chỉnh 1 ngành khác để điều chỉnh tỷ lệ room vào ngày 27/4, nhưng đến nay tiến độ hoàn tất vẫn chưa được ghi nhận.
Dù vậy, nhìn chung, tính đến đầu tháng 9/2018, trong hơn 740 doanh nghiệp niêm yết, mới có chưa đến 30 doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục nới room.
Dù chưa tính các doanh nghiệp đã được đại hội đồng cổ đông thông qua nhưng chưa thực hiện xong thủ tục, con số này vẫn quá nhỏ so với tổng số doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Quyết sách lớn chưa tạo nên thay đổi lớn
Chính sách mở room cho NĐTNN được đánh giá là bước đi đột phá, mang ý nghĩa tích cực đối với thị trường sau nhiều năm chờ đợi. Trong đó, Nghị định 60/2015 được coi là khung pháp lý quan trọng giúp khơi thông dòng vốn ngoại.
Không chỉ tăng sức cầu từ NĐTNN, từ đó nâng tầm giá trị cho các doanh nghiệp, mở room còn được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng gọi vốn khi cổ đông ngoại hoàn toàn có khả năng tiến tới nắm giữ cổ phần chi phối. Hiệu quả này phần nào được thể hiện qua câu chuyện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong năm qua.
Chẳng hạn, trong đợt thoái vốn của Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) tháng 3/2018, The Nawaplastic Industries đến từ Thái Lan đã chấp nhận mua 34 triệu cổ phiếu BMP mà SCIC thoái vốn với giá 96.500 đồng/cổ phần.
Việc đối tác ngoại sẵn sàng chi ra mức giá cao hơn đến 17% so với giá thị trường tại cùng thời điểm được đánh giá có nguyên nhân quan trọng từ khả năng thâu tóm một trong 2 doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam này, khi BMP đã hoàn tất nâng room lên 100% trước đó.
Thực tế sau đó, Nawaplastic cũng đã liên tục mua thêm cổ phiếu BMP trên thị trường và tỷ lệ sở hữu hiện đã đạt 54,39%, nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp.
Trong 2 đợt bán vốn của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) để giảm sở hữu từ 45% về 36% trong năm 2016 và 2017, cổ đông ngoại, cụ thể là F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd, F&N Dairy Investments PTE.LTD và Platinum Victory Pte. Ptd đã gom gần như toàn bộ lượng cổ phiếu chào bán cũng với giá cao hơn giá thị trường tại cùng thời điểm.
Diễn biến này khó xảy ra nếu VNM không tiến hành mở room lên 100% ngay trước đợt bán vốn đầu tiên vào năm 2016.
Bên cạnh đó, một lợi ích quan trọng không thể bỏ qua là nới room đã phần nào nâng cao mức độ tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần nâng mức độ đáp ứng các tiêu chí để tổ chức xếp hạng Morgan Stanley Capital International (MSCI) xem xét nâng hạng cho thị trường chứng khoán từ nhóm thị trường cận biên lên mới nổi.
Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng sau 3 năm quy định có hiệu lực, với số lượng doanh nghiệp hoàn tất nới room còn khá nhỏ, câu hỏi được đặt ra là điều gì khiến doanh nghiệp còn e ngại, không mặn mà với mở room?
Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp không thuộc nhóm bị hạn chế nhưng cổ đông lại e ngại, không thông qua mở room khi được lấy ý kiến như CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP) trong năm 2017, một phần vướng mắc được nhận định xuất phát từ khung pháp lý.
Đơn cử, ngoài những ngành nghề được quy định cụ thể, vẫn còn quá nhiều ngành pháp luật chuyên ngành chưa quy định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, do đó sẽ chịu chung giới hạn 49%.
Doanh nghiệp chỉ cần vướng một trong số này là không thể nới room. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể bỏ bớt như DPM vừa thực hiện, nếu ngành nghề đó đang có đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận.
Một khó khăn khác là doanh nghiệp sẽ hoạt động thế nào khi tỷ lệ sở hữu khối ngoại liên tục dao động qua lại tỷ lệ 51%, điều mà chính doanh nghiệp cũng không thể kiểm soát…
Những vướng mắc này đang được kỳ vọng sẽ phần nào được gỡ rối trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán thời gian tới đây.
Bên cạnh đó, một yếu tố không thể bỏ qua là dù thị trường đang có hơn 740 doanh nghiệp niêm yết, chưa tính số doanh nghiệp đăng ký trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) nhưng trong đó, chất lượng cũng bị phân hóa mạnh với hàng trăm doanh nghiệp hầu như không có thanh khoản, không được giao dịch, nhà đầu tư không mấy quan tâm. Với số này, nếu chất lượng không được cải thiện, nới room dù thực hiện cũng sẽ không mang nhiều ý nghĩa.
Ngay tại một số doanh nghiệp đã hoàn tất nới room từ khá lâu như PAN, VHC, GTN, TYA…, sở hữu khối ngoại cũng chưa bao giờ vượt quá 49%. Phản ứng chung tại nhiều mã trong số này là tăng tích cực trong một vài phiên sau khi thị trường đón nhận tin nới room nhưng sau đó “nguội” dần.
Rõ ràng nới room là thông tin hấp dẫn, là điều kiện cần, nhưng chỉ room sẽ chưa đủ để tạo nên bước đột phá cho doanh nghiệp.
Thậm chí, nếu không kiểm soát được chất lượng, điều này có thể bị một vài doanh nghiệp lợi dụng, ngầm liên kết với các nhóm đội lái, đầu cơ tạo tin đồn liên quan đến nới room, cổ đông chiến lược nước ngoài..., nhấn chìm nhà đầu tư trong những cơn “sóng dữ”.