Vướng mắc kéo dài
Ở vai trò là cơ quan đề xuất Chính phủ ban hành quy định về nới room cho nhà đầu tư ngoại tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán, chính Bộ Tài chính thừa nhận, cơ chế này đang bộc lộ vướng mắc.
Đó là, đa số công ty đại chúng đều đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, đối với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc không quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mà chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc pháp luật chuyên ngành về chứng khoán phải xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện là khó chính xác, không thực sự phù hợp.
Khi trở thành tổ chức có trên 51% vốn nước ngoài, theo Luật Đầu tư năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế...; chịu các ràng buộc nhất định trong hoạt động kinh doanh theo hướng chặt chẽ hơn so với các doanh nghiệp trong nước; không được phép thực hiện một số ngành nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, việc xác định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cùng một ngành nghề hiện còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đề xuất của Bộ Tài chính
Trong tháng 4 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đứng đầu đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các trường hợp hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP để gỡ bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49% cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Trong bối cảnh Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang thúc đẩy sửa Luật Chứng khoán, ý kiến từ các nhà đầu tư, chuyên gia góp ý cho rằng, cần tranh thủ cơ hội này để đề xuất hướng tháo gỡ các vướng mắc của cơ chế nới room cho nhà đầu tư ngoại, nhằm cải thiện khả năng hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cho thị trường chứng khoán.
Nhiều ý kiến đề xuất, Luật Chứng khoán sửa đổi cần cho phép sở hữu nước ngoài đến 100% tại các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.
Tuy có những ý kiến trái chiều từ phía các bộ, ngành, nhưng với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác, thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài.
Theo đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần rà soát, quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các ngành nghề nêu trên, sau khi xem xét tính trọng yếu của ngành, cũng như nhu cầu đàm phán các hiệp định thương mại tự do sắp tới.
Hiện việc bảo lưu không mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề mới chỉ mang tính kỹ thuật, các quy định pháp luật chuyên ngành không xác định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không quy định rõ là không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2018, sau đó được trình cơ quan này thông qua vào năm 2019. Việc thành công trong đưa vào dự thảo này cơ chế mới về thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ không chỉ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện tại, mà quan trọng hơn còn tạo bước đột phá về cơ chế để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút hiệu quả hơn dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài.