Những dữ liệu tích cực của kinh tế Mỹ vừa được công bố giúp phố Wall tăng điểm trở lại và cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 lại thiết lập đỉnh cao lịch sử mới sau phiên giật mình do biên bản cuộc họp cuối tháng 10 của FED được công bố hôm thứ Tư.
Theo dữ liệu ban đầu, thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm, trong khi hoạt động sản xuất ở khu vực giữa Đại Tây Dương của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hai thập kỷ và doanh số bán nhà hiện có trong tháng 20 lên mức cao nhất hơn 1 năm.
Dữ liệu tích cực này của Mỹ hoàn toàn trái ngược với dữ liệu đáng thất vọng phát hành từ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc trước đó.
Việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi đúng quỹ đạo phục hồi tích cực, giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên phân khởi hơn sau những lo ấu trước đó.
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Dow Jones tăng 33,27 điểm (+0,19%), lên 17.719,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,03 điểm (+0,20%), lên 2.052,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,16 điểm (+0,56%), lên 4.701,87 điểm.
Không được may mắn như thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại nhận những thông tin không mấy tích cực. Dữ liệu vừa công bố cho thấy, khu vực đồng euro tăng trưởng kinh tế trong tháng yếu hơn so với bất kỳ dự báo nào được đưa ra, trong khi đơn đặt hàng mới lần đầu tiên trong 1 năm giảm, dù giá tiếp tục giảm. Chỉ số PMI tháng 11 giảm xuống 51,4 so với mức 52,1 trong tháng 10, mức thấp nhất trong 16 tháng.
Trong khi đó, thông tin không quả quan từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp châu Âu cũng tác động không tốt tới chứng khoán châu Âu trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,7 điểm (-0,26%), xuống 6.678,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 11,17 điểm (+0,12%), lên 9.483,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 31,98 điểm (-0,75%), xuống 4.234,21 điểm.
Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á cũng đón những thông tin không mấy tích cực trong phiên thứ Năm. Số liệu vừa công bố cho thấy, tăng trưởng trong khu vực nhà máy rộng lớn của Trung Quốc bị đình trệ trong tháng 11. Chỉ số PMI tháng 11 của Trung Quốc giảm xuống còn 50 từ mức 50,4 của tháng 10. Với thông tin này, dĩ nhiên chứng khoán châu Á chủ yếu chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên 20/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 12,11 điểm (+0,07%), lên 17.300,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 23,67 điểm (-0,1%), xuống 23.349,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 11,43 điểm (-0,47%), xuống 2.419,25 điểm.
Những thông tin không tích cực phát đi từ các nên kinh tế lớn như EU, Trung Quốc và trước đó là Nhật Bản, giúp vai trò trú ẩn của vàng tăng lên. Dù vậy, theo các nhà phân tích, giá vàng vẫn chịu áp lực giảm khi đồng USD tăng mạnh, áp lực rút bớt vốn từ thị trường kim loại quý chuyển qua chứng khoán khi kinh tế Mỹ khả quan…
Kết thúc phiên 20/11, giá vàng giao ngay tăng 11,4 USD (+0,96%), lên 1.194,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 10 USD (+0,85%), lên 1.193,1 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu đảo chiều tăng mạnh trong phiên thứ Năm khi nhiều dự đoán cho rằng, OPEC sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.
Kết thúc phiên 20/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 1,00 USD (+1,32%), lên 75,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,23 USD (+1,55%), lên 79,33 USD/thùng.