Dữ liệu kinh tế yếu kém của Nhật Bản đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Các chỉ số chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên sáng, trước khi Dow Jones và S&P 500 được kéo tăng trở lại trong phiên chiều nhờ thông tin về mua bán, sáp nhập.
Trong lĩnh vực dịch vụ dầu mỏ, Halliburon cho biết sẽ mua lại Baker Hughes. Trong khi đó, công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Allergan đồng ý để hãng dược phẩm và thiết bị y tế Actavis mua lại.
Các thương vụ được đánh giá có giá trị 100 tỷ USD này đã giúp phố Wall đảo chiều, trong đó Dow Jones và S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh nhạt, còn Nasdaq cũng hãm bớt đà giảm của mình. Dù tăng rất nhẹ, nhưng S&P 500 cũng kịp có phiên thiết lập đỉnh cao lịch sử mới sau khi bị Dow Jones bỏ lại trong phiên thứ Năm tuần trước. Trong khi đó, mức tăng điểm trong phiên đầu tuần mới chưa thể bù đắp những điểm số đã mất phiên cuối tuần trước, nên Dow Jones lần này lỡ hẹn với đỉnh cao lịch sử.
Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Dow Jones tăng 13,01 điểm (+0,07%), lên 17.647,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,50 điểm (+0,07%), lên 2.041,32 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,54 điểm (-0,37%), xuống 4.671,00 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới do dữ liệu tiêu cực từ kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng giống nhưng phố Wall, chứng khoán châu Âu đón nhận được thông tin tích cực để quay đầu đi lên.
Trong khi phố Wall là các thương vụ M&A khủng, thì chứng khoán châu Âu lại nhận được “quà tặng” từ Mario Draghi khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ECB sẵn sàng để mở rộng các biện pháp kích thích kinh tế. Sau tuyên bố này của Draghi, các thị trường chứng khoán châu Âu lần lượt đảo chiều và đóng cửa trong sắc xanh, thậm chí đà tăng còn mạnh hơn chứng khoán Mỹ.
Kết thúc phiên 17/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 17,60 điểm (+0,26%), lên 6.671,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,41 điểm (+0,58%), lên 9.306,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,64 điểm (+0,56%), lên 4.226,10 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, một thông tin không được chờ đợi đã đến, kéo chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong phiên đầu tuần với phiên giảm mạnh nhất 3 tháng.
Theo dữ liệu vừa công bố, GDP của Nhật Bản trong quý III tiếp tục sụt giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước và là quý thứ 2 liên tiếp có mức tăng trưởng âm, sau khi giảm 7,3% vào quý trước. Điều này đánh dấu kinh tế Nhật Bản chính thức rơi vào suy thoái, bất chấp những nỗ lực và chính sách của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe.
Với dữ liệu yếu kém này càng làm tăng thêm khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hủy bỏ đợt tăng thuế lần hai, dự định sẽ áp dụng từ tháng 10/2015.
Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn có điểm sáng trong quý III, chính là thị trường xuất khẩu của các công ty Nhật Bản được mở rộng nhờ đồng yên giảm mạnh so với đồng USD.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng có phiên giảm điểm trong ngày đầu tiên liên thông giữa 2 sàn.
Kết thúc phiên 17/11, chỉ số Nikkei 225 giảm 517,03 điểm (-2,96%), xuống 16.973,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 290,30 điểm (-1,21%), xuống 23.797,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 4,82 điểm (-0,19%), xuống 2.474,01 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, do chịu tác động của các thông tin trái chiều, nên giá vàng gần như đi ngang trong suốt phiên đầu tuần và đóng cửa với mức giảm nhẹ. Việc kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái giúp tăng vai trò trú ẩn của vàng. Bên cạnh đó, việc ECB mở rộng các gói kích thích kinh tế, bao gồm cả việc mua vàng cũng hỗ trợ cho giá kim loại quý này. Tuy nhiên, giá vàng lại chịu tác động ngược lại do đồng USD tăng mạnh với các thông tin trên.
Kết thúc phiên 17/11, giá vàng giao ngay giảm 1,3 USD (-0,11%), xuống 1.187,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,4 USD (-0,37%), xuống 1.183,5 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm nhẹ sau thông tin từ yếu kém từ kinh tế Nhật Bản.
Kết thúc phiên 17/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,18 USD (-0,24%), xuống 75,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,10 USD (-0,13%), xuống 79,31 USD/thùng.