Sau phiên thoát hiểm đầu tuần nhờ thông tin về những thương vụ M&A khủng, chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch đầy hứng khởi ngày 18/11. Sắc xanh ngự trị ngay khi bước vào phiên giao dịch và nới rộng dần đà tăng về cuối phiên, cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều thiết lập kỷ lục mới, trong đó, S&P 500 có ngày tăng tốt nhất kể từ 5/11.
Phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, cũng như kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tốt hơn với dữ liệu mới từ Đức và biện pháp mới từ Nhật Bản, sau những lo ngại đầu tuần vì nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Dow Jones tăng 40,07 điểm (+0,23%), lên 17.687,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,48 điểm (+0,51%), lên 2.051,80 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,44 điểm (+0,67%), lên 4.702,44 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng mạnh, nhất là chỉ số DAX của Đức tăng 1,6% sau khi khảo sát ZEW cho thấy, niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư của Đức tăng trong tháng 11, vượt kỳ vọng và là lần đầu tiên sau 1 năm chỉ số này tăng.
Bên cạnh đó, phát biểu trước đó của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi về việc ECB sẵn sàng mở rộng gói kích thích kinh tế cũng hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 37,16 điểm (+0,56%), lên 6.709,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 150,18 điểm (+1,61%), lên 9.456,53 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,28 điểm (+0,86%), lên 4.262,38 điểm.
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã chính thức có quyết định giải tán Hạ viện để bầu cử sớm, cũng như hoãn tăng thuế thu nhập lần 2, một nỗ lực nhằm thoát khỏi suy thoái kinh tế. Sau động thái này của ông Abe, đồng yên giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2007 so với đồng USD và qua đó giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trở lại, lên mức cao nhất 2 tuần sau khi lao dốc phiên đầu tuần khi dữ liệu GDP quý III giảm 1,6% được công bố.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp tục bị chốt lời sau khi có những phiên tăng mạnh trước đó với thông tin liên thông giữa 2 sàn.
Kết thúc phiên 18/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 370,26 điểm (+2,18%), lên 17.344,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 267,91 điểm (-1,13%), xuống 23.529,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 17,64 điểm (-0,71%), xuống 2.456,37 điểm.
Sau chỉ kết quả chỉ số ZEW của Đức được công bố, đồng euro tăng so với đồng USD, giúp giá vàng được hưởng lợi. Ngoài ra, thông tin Ấn Độ bất ngờ gia tăng nhập khẩu vàng trong tháng 10 và lên mức cao nhất 1 năm cũng giúp giá kim loại quý này tăng mạnh.
Kết thúc phiên 18/11, giá vàng giao ngay tăng 10,3 USD (+0,87%), lên 1.197,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 13,6 USD (+1,15%), lên 1.197,1 USD/ounce.
Trong khi đó, bất chấp niềm tin của Đức khả quan, Nhật Bản nỗ lực thoát suy thoái, chỉ số USD giảm, nhưng giá dầu vẫn giảm mạnh khi giới đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của OPEC về quyết định có cắt giảm sản lượng hay không.
Kết thúc phiên 18/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,30 USD (-1,72%), xuống 74,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,91 USD (-1,15%), xuống 78,40 USD/thùng.