FED lại khiến chứng khoán, vàng chao đảo

(ĐTCK) Biên bản cuộc họp cuối tháng 10 của Cục trự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố lại khiến giới đầu tư giật mình.
FED lại khiến chứng khoán, vàng chao đảo

Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/11), biên bản cuộc họp hôm 28 và 29/10 của FED đã được công bố. Theo đó, FED chính thức kết thúc các chương trình mua trái phiếu của mình, hay còn được gọi tắt dưới cái tên QE.

Biên bản cũng cho thấy tranh luận giữa các thành viên liên quan đến chính sách tiền tệ về viễn cảnh lạm phát và nền kinh tế.

Trước khi biên bản của FED được công bố ít phút, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, FED một khi đã tăng lãi suất sẽ tăng trong thời gian ngắn hơn và mức tăng lớn hơn so với kỳ vọng của thị trường hiện tại.

Biên bản cuộc họp của FED được công bố khiến giới đầu tư giật mình và phố Wall chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư sau đó vẫn kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất từ tháng 9/2015. Dù đã có những nỗ lực phục hồi cuối phiên, nhưng các chỉ số chính của phố Wall cũng không tránh khỏi phiên giảm điểm. Trong đó, Nasdaq giảm mạnh nhất do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ cao.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones giảm 2,09 điểm (-0,01%), xuống 17.685,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,08 điểm (-0,15%), xuống 2.048,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 26,73 điểm (-0,57%), xuống 4.675,71 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh sau khi lên cao nhất 7 tuần, đóng cửa gần với mức tham chiếu trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư thận trọng trước khi văn bản cuộc họp của FED được công bố. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu cũng chịu tác động từ sự sụt giảm của cổ phiếu khai thác mỏ, khi nhu cầu tương lai quặng sắt của Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp khai thác mỏ châu Âu bất ngờ giảm 5%, xuống mức kỷ lục.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,53 điểm (-0,19%), xuống 6.696,60 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 16,27 điểm (+0,17%), lên 9.472,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 3,81 điểm (+0,09%), lên 4.266,19 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sắc đỏ xuất hiện ở hầu hết các thị trường. Chứng khoán Nhật Bản giảm do áp lực chốt lời của giới đầu tư và chờ đợi cuộc họp báo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda. Mặt khác, giới đầu tư cũng nhận thấy rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã hoãn kế hoạch tăng thuế đã kích thích kinh tế, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để vực dậy nền kinh tế đang lung lay. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi việc kết nối giữa sàn Hồng Kông và Thượng Hải không như kỳ vọng của giới đầu tư.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Nikkei 225 giảm 55,31 điểm (-0,32%), xuống 17.288,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 155,86 điểm (-0,66%), xuống 23.373,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 5,38 điểm (-0,22%), xuống 2.450,99 điểm.

Trên thị trường kim loại quý, sau khi tăng mạnh ngày thứ Ba, giá vàng đã nhanh chóng đánh mất hết những gì đã đạt được trong phiên tăng trước đó, thậm chí còn mạnh hơn.

Giá vàng giảm mạnh do đồng USD lại leo lên mức cao nhất 7 năm sau biên bản cuộc họp của FED được công bố.

Kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay giảm 14,4 USD (-1,2%), xuống 1.183,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 14 USD (-1,17%), xuống 1.183,1 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm giá ngày thứ 3 liên tiếp khi triển vọng kinh tế của Mỹ không chắc chắn bù đắp cho dự đoán Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng trong cuộc họp tuần tới.

Kết thúc phiên 19/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống 74,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,37 USD (-0,47%), xuống 78,10 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục