Ước mơ trở thành trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM: Vì sao nhiều lần lỗi hẹn?

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn nhiều điều về tầm nhìn, mục tiêu, tham vọng về trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tương lai của TP.HCM cần phải được làm rõ để thuyết phục Trung ương chấp nhận.
Với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, việc hình thành IFC của TP.HCM có nhiều cơ sở vững chắc mà khó địa phương nào sánh bằng Với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, việc hình thành IFC của TP.HCM có nhiều cơ sở vững chắc mà khó địa phương nào sánh bằng

Có thể đây là lý do khiến Thành phố nhiều lần lỗi hẹn IFC hơn 20 năm qua?

Nguồn tài trợ cho các dự án đầu tư ở các quốc gia ngày nay cao chưa từng có. Những nhu cầu cấp bách này liên quan đến đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, cùng với những biến đổi trong địa chính trị toàn cầu. Những biến động khiến các nước phải tìm đủ mọi cách thay đổi để tồn tại.

Theo Trung tâm Thông tin Cơ sở hạ tầng toàn cầu, thiếu hụt tài chính cho hạ tầng toàn thế giới lên tới 1.500 tỷ USD mỗi năm. Riêng Việt Nam, vốn đầu tư cho các dự án này có thể lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm (chỉ tính riêng nguồn đầu tư phát triển điện đã lên tới khoảng 10 tỷ USD mỗi năm).

Không nguồn tài chính công nào có thể đáp ứng được các nhu cầu khổng lồ này. Đây là lý do chính khiến mạng lưới các IFC ngày càng cho thấy tầm quan trọng trong huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu của ngày càng cao của nền kinh tế thực.

IFC tương lai của TP.HCM có sản phẩm, dịch vụ gì độc nhất?

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Lựa chọn một số điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao” và “Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TP.HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành IFC”. Với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, việc hình thành IFC của Thành phố có nhiều cơ sở vững chắc mà khó địa phương nào sánh bằng.

Xét trên khía cạnh cạnh tranh với các IFC toàn cầu, các chuyên gia thường viện dẫn TP.HCM có nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có là có múi giờ khác biệt với 21 IFC lớn nhất toàn cầu. Thành phố chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhưng lợi thế này liệu có ý nghĩa gì khi TP.HCM cũng cùng múi giờ với Singapore hiện là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn thứ ba thế giới. Họ lại đang có tham vọng vươn lên thành số một thông qua việc tập trung hơn nữa vào những tay chơi ngoại hối lớn nhất bằng tính thanh khoản tốt nhất, hiệu quả tốt nhất và khám phá giá tốt nhất.

Cùng với cuộc cách mạng 4.0 và những thay đổi hành vi vĩnh viễn của con người và các tập đoàn đa quốc gia hậu Covid-19, lợi thế tự nhiên chút ít của Việt Nam về múi giờ hầu như bị san bằng. Trên website của Chỉ số Xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu có một slogan ấn tượng: “Vị trí bây giờ ít quan trọng hơn, bởi vì các quy trình làm việc ngày càng số hoá hơn. Các chuyên gia có thể được tuyển dụng ở khắp mọi nơi mà không cần phải di chuyển họ”.

Điều này cũng đúng cho cả các giao dịch tài chính. Việc lấy múi giờ và khoảng cách bay chỉ vài tiếng là đến các IFC hàng đầu khu vực như lợi thế so sánh chỉ là câu chuyện của quá khứ. Đó không thể là lý do thuyết phục để bắt đầu về sự cần thiết phải có IFC của Việt Nam, của TP.HCM.

Theo đề án, TP.HCM đặt cách tiếp cận lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp trong từng giai đoạn dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các thế mạnh và nhu cầu thị trường hiện tại? Nhưng khác với các lĩnh vực công nghiệp khác, công nghiệp tài chính là cuộc chơi có tổng bằng không (kẻ này thắng thì kẻ khác thua), trừ phi đó là một sản phẩm, dịch vụ độc nhất.

Nếu không nhận diện được sản phẩm, dịch vụ độc nhất, ước mơ có một IFC sẽ vẫn mãi là ý tưởng (thô). Sẽ là sản phẩm, dịch vụ gì khi mà bất kỳ đổi mới tài chính nào vừa ra đời đều được các IFC trên thế giới tận dụng ngay lập tức?

Do hậu quả của chính sách lãi suất thấp, thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục ở mức đỉnh kỷ lục mọi thời đại, sự lạc quan kinh tế hồi phục, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và dòng tiền khổng lồ đang lưu chuyển tự do trên toàn cầu đã làm bùng nổ các “công ty mua lại có mục đích đặc biệt” (SPAC), nhằm rút ngắn thời gian nhanh hơn và thuận lợi hơn, để các công ty tư nhân được niêm yết đại chúng trên sàn chứng khoán quốc tế (Mỹ).

Ngay lập tức, hàng loạt IFC đặt ra các quy tắc điều tiết mới cho phép tận dụng ngay các cơn sốt đổi mới tài chính tại nước sở tại. Thậm chí, một IFC Astana non trẻ của Kazakhstan chỉ mới hình thành năm 2018 đã lường trước tình huống này để cho phép các SPAC được niêm yết ngay tại đây.

Tận dụng các đổi mới tài chính như SPAC, tham vọng của các IFC là trở thành trung tâm tài trợ hàng đầu về đổi mới, sáng tạo cho các start-up công nghệ khu vực và thế giới. Một trụ cột khác của IFC là quản lý tài sản, chẳng hạn, IFC Singapore vừa phát hành thông báo tầm nhìn trở thành người “xuất sắc nhất” trong công nghệ quản lý, đổi mới, thu hút tài năng kiệt xuất để cung cấp các giải pháp quản lý cao nhất, tư vấn tốt nhất và toàn diện nhất cho quản lý tài sản các tầng lớp có thu nhập ngày càng tăng ở châu Á.

Chiến lược phát triển IFC tuần tự trong một thế giới số hoá liệu có khả thi?

Điểm qua một số dịch vụ kinh doanh ngoại hối, tài trợ cho đổi mới sáng tạo và quản lý tài sản của một vài IFC khu vực, dễ thấy họ luôn phấn đấu trở thành người đứng đầu xuất sắc nhất. Đi tìm sự khác biệt cho IFC của TP.HCM cho đến giờ vẫn chỉ là gợi mở, chưa có bất kỳ đề xuất cụ thể nào. Có lẽ chính vì thế, lộ trình IFC tương lai của Thành phố cũng khá khiêm tốn. Theo đó, trong ngắn hạn, Thành phố chỉ phấn đấu trở thành trung tâm tài chính hàng đầu cả nước, sau đó từng bước vươn tới tầm khu vực trong trung hạn và xa hơn là quốc tế trong dài hạn?

Đến hết trung hạn, rồi dài hạn (có thể 10-15 năm, thậm chí xa hơn), khoảng thời gian mà các nhà làm phim khoa học viễn tưởng rồi cũng phải chào thua với những thay đổi trong thế giới các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và tiền mật mã.

Chẳng hạn, đối với các giao dịch ngoại hối, với công nghệ thanh toán hiện tại, quy trình khám phá giá theo thời gian thực ở mức năm phần ngàn giây, hoặc các yêu cầu đặt lệnh trên thị trường được theo dõi mỗi mili giây. Toàn bộ công nghệ và nhân lực trang bị cho các giao dịch ngoại hối thưa thớt ở quy mô tầm quốc gia mà TP.HCM hướng tới (trong ngắn hạn và trung hạn) thậm chí đã lạc hậu ngay từ hiện tại.

Cách tiếp cận tuần tự của IFC theo đề án của TP.HCM đặt ra một số rủi ro khó quản lý trong một thế giới mà các đột phá trong công nghệ tài chính ngày càng thường xuyên. Nếu quản lý không tốt, các khoản đầu tư ban đầu cho trung tâm tài chính tầm quốc gia có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực đáng kể vào các “voi trắng” (đầu tư tiếp thì càng tốn kém lại không hiệu quả, bỏ thì sợ mang tiếng).

Do xác định tầm nhìn từ đầu để tạo ra sự khác biệt độc nhất trong các dịch vụ tài chính ngang hàng với các IFC hàng đầu như London, Hồng Kông và Dubai, Trung tâm Dịch vụ tài chính quốc tế (IFSC) nằm trong đặc khu đa mục đích - thành phố công nghệ tài chính quốc tế Gujarat (GIFT City) của Ấn Độ vừa mới thành lập 5 năm nay đã xếp hạng thứ 10 thế giới về tài chính (trên cả Singapore, Frankfurt, Paris, Brussels).

Thiếu tham vọng, liệu chúng ta có nên lập ra IFC? Vẫn còn nhiều điều về tầm nhìn, mục tiêu, tham vọng về IFC tương lai của TP.HCM cần phải được làm rõ để thuyết phục Trung ương chấp nhận. Có thể đây là lý do khiến Thành phố nhiều lần lỗi hẹn IFC hơn 20 năm qua?

Nói cho công bằng, chỉ có thể trở thành IFC đẳng cấp, nếu chúng ta không xem đó như là câu chuyện riêng của địa phương, dù trên danh nghĩa, các bộ, ngành luôn khẳng định, đây là vấn đề chung của cả nước. Tập hợp những tài năng trong nhiều lĩnh vực, thậm chí thuê chuyên gia nước ngoài, để tư vấn, vạch ra một lộ trình thật chi tiết xem IFC tương lai dẫn đầu ở sản phẩm, dịch vụ nào so với các IFC thế giới phải là trách nhiệm của cấp cao nhất.

Phải làm gì?

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ bằng con đường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một quốc gia phát triển có thu nhập cao tất nhiên phải có IFC thực sự mang đẳng cấp quốc tế. Chúng thể hiện tầm ảnh hưởng, bộ mặt, sức mạnh của quốc gia đối với thế giới. Nếu xác lập đây là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong một thế giới luôn thay đổi, chúng ta phải xác lập trật tự ưu tiên chính sách tiếp theo là gì?

Là người đến sau, muốn trở thành độc nhất hoặc người dẫn đầu, chúng ta cần tiếp cận vấn đề bằng cách xem các quy định điều tiết trong IFC như là các mục tiêu di dộng, thậm chí tiến hoá liên tục để đáp ứng với bất kỳ những đổi mới trong cuộc cách mạng 4.0. Chỉ có thể đến đích bằng các mục tiêu di động và tiến hoá, trong khi vẫn giữ được sự ổn định hệ thống tài chính.

Trong điều kiện thể chế trong nước còn nhiều bất cập, cần phải có một khu kinh tế đặc biệt thế hệ mới (dạng như khu kinh tế tự do kỹ thuật số) tạo khuôn khổ thiết lập các mục tiêu di động phản ứng với các đổi mới công nghệ tài chính và tiền điện tử ngày càng trở thành xu hướng khó cưỡng. Đây sẽ là điểm bắt đầu tốt để tạo ra “vụ nổ lớn” hình thành một IFC tương lai của Việt Nam tại TPHCM.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục