TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường tài chính gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Nhưng tại Việt Nam, kênh tạo vốn cho nền kinh tế chủ yếu là NHTM. Đồng thời, thị trường tài chính còn quá non trẻ, sản phẩm tài chính nghèo nàn. Đây là điểm tồn tại cần xử lý. Ngoài ra, ông Lịch cũng phân tích về vấn đề xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.
Theo TS Lịch, để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, cần đưa ra lộ trình có 3 giai đoạn, thời gian đạt tới đích có thể mất hơn 20 năm nữa. Giai đoạn đầu năm 2021 - 2025 là giai đoạn xây dựng khẳng định vai trò của Trung tâm tài chính quốc gia.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030, TP.HCM sẽ nâng lên vai trò một Trung tâm tài chính khu vực và sau đó khoảng 10 - 15 năm sau hình thành Trung tâm tài chính quốc tế. Vì muốn hình thành Trung tâm tài chính quốc tế phải gắn với 2 điều kiện nữa là tự do hoá tài khoản vốn và chuyển đổi đồng tiền, những việc đó sẽ mất thời gian rất lâu.
Trong khi đó, PGS TS. Trần Ngọc Thơ - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng đã đặt ra câu hỏi, nếu không có tham vọng ngang bằng vượt trội với các Trung tâm tài chính quốc tế lớn hiện nay, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM có thành công không?
Điển hình Trung tâm tài chính quốc tế Gujarat của Ấn Độ đã đưa ra tầm nhìn từ năm 2016 là phấn đấu ngang bằng với các Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu và sau 5 năm đã xếp hạng 10 Trung tâm tài chính quốc tế. Điều này cho thấy không có tham vọng ngang bằng vượt trội ngay từ đầu. Đây là vấn đề được đặt ra.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản cũng đang bắt nhịp theo các xu hướng chủ đạo là xu hướng chuyển đổi số; tiền kỹ thuật số; thay đổi chính sách tiền tệ - tài khóa; tái cấu trúc, lành mạnh hóa và chuẩn hóa; phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh; và hội nhập tài chính - ngân hàng.
Tuy nhiên, rủi ro và thách thức đối với hệ thống tài chính Việt Nam đang đặt ra, bao gồm các nguy cơ rủi ro tài chính; thách thức từ nội tại nền kinh tế Việt Nam; những bước tiến về thể chế góp phần nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và hệ thống tài chính nhưng còn chậm so với yêu cầu; rủi ro tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam; thách thức phát triển tài chính xanh, ngân hàng xanh.
Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chiến lược và thể chế pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, tài chính - tiền tệ số và tài chính xanh; năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ… để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững.
Sau phần khai mạc, phiên thảo luận về chủ đề hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược cho Việt Nam đã đưa ra góc nhìn đa chiều về tình hình thị trường tài chính, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ, năm 2020, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân 2.779 USD/đầu người.
Để đến năm 2025 đạt mức thu nhập bình quân 4.700 - 5.000 USD/đầu người và đến năm 2030 đạt 7.500 USD/đầu người, nhu cầu phát triển vốn trong nước rất lớn, bao gồm cả vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn từ các tổ chức kinh tế khác.
Trong đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ là trong những kênh quan trọng để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào huy động từ thị trường vốn trong nước thì không chỉ không đủ mà còn tạo áp lực rất lớn tới thị trường tài chính trong nước vẫn trong giai đoạn cần củng cố, khắc phục những hạn chế nội tại.
Vì vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế trong thời gian tới sẽ là nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển và tái cơ cấu nợ Chính phủ, với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp với điều kiện thị trường quốc tế và năng lực trả nợ trong nước, góp phần bảo đảm khả năng trả nợ của Chính phủ, an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng EUH cho rằng, chủ đề về Trung tâm tài chính TP.HCM không phải mới mà đã đặt ra cách đây 20 năm. Nhưng nếu làm không có tham vọng sẽ không có quyết tâm, không có quyết tâm sẽ không có sự thay đổi về thể chế và chính sách cũng như lựa chọn mô hình, bước đi đúng.
"Tại sao TP.HCM đến bây giờ quy mô lại đi xuống không đi lên so với yêu cầu phát triển của cả nước. Chúng ta bị nghẽn mô hình và ý tưởng trong thể chế. Đó là bài toán về tối đa hóa về bài toán thoả dụng trong phát triển kinh tế", ông Thành nói.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trường UEH cho rằng, còn lâu mới có Trung tâm tài chính quốc tế bởi vì còn quá ít sản phẩm và dịch vụ.
TS. Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính UEH cho hay, đến nay về cơ bản NHNN có thông điệp dự trữ ngoại hối rất cao, đó là bức tranh đáng mừng.
Trước xu hướng các nước châu Âu và Mỹ gia tăng chi tiêu, Việt Nam phải tận dụng thương mại toàn cầu để có dự trữ ngoại hối. Đồng thời, hiện nay việc tận dụng bối cảnh này để xây dựng Trung tâm tài chính để nắm bắt xu hướng là đương nhiên. Một Trung tâm tài chính sẽ phục vụ cho cả nền kinh tế cất cánh.
Chia sẻ thêm, ông Thomas Hung Tran - Chuyên gia phòng chống tội phạm quốc tế cho rằng, phát triển thị trường tài chính và trở thành Trung tâm tài chính đã trở thành mục tiêu và chiến lược của các quốc gia mới nổi.
Đây là chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn. Bởi chỉ khi thị trường tài chính đạt đến một mức độ phát triển nhất định, nguồn vốn từ giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu mới được lưu thông hiệu quả đến các chủ thể có nhu cầu sử dụng vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, chất xám và kinh nghiệm quản lý.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng đồng thời thu hút giới tội phạm tài chính, những người hiểu rõ nhu cầu vốn tại các thị trường mới nổi, cũng như tính sơ khai của các biện pháp nhận diện và phòng thủ trước tội phạm tài chính của các thị trường này.
Hiện Việt Nam cũng đang là mục tiêu của nhiều nhóm tội phạm tài chính xuyên quốc gia để chuyển hóa nguồn vốn bất hợp pháp. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao khả năng ứng phó tội phạm tài chính, giúp thị trường tài chính Việt Nam giữ vững mục tiêu là điểm đến hấp dẫn cho giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính.