Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trung tâm tài chính TP.HCM phải có tác động tầm quốc gia, quốc tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá rất cao vai trò của TP.HCM trong tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện khát vọng tầm nhìn chiến lược, tư duy mang tính đột phá của Lãnh đạo và nhân dân TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn-Ảnh Lê Toàn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn-Ảnh Lê Toàn

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai với chủ đề “Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và Quốc Tế” do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay 18/10/2019 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Trung tâm tài chính phải là đề án của quốc gia!

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá rất cao vai trò của TP.HCM trong tổ chức Diễn đàn. Điều này thể hiện khát vọng tầm nhìn chiến lược, tư duy mang tính đột phá.

Theo Bộ trưởng, Trung tâm tài chính phải mang vai trò chiến lược không chỉ tác động đến kinh tế TP.HCM mà có ý nghĩa tác động của cả quốc gia. Do vậy “Trung tâm tài chính phải là đề án của quốc gia, được sự tham gia đồng hành của các thành viên Chính phủ thì mới có thể chế vượt trội. TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế không chỉ là giấc mơ của cá nhân tôi, mà còn là mong đợi của nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính cũng như người dân Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh

Thực tế, ý tưởng xây dựng Trung tâm tài chính đã có từ lâu nhưng chưa có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Trước những diễn biến mới về kinh tế thế giới, đến nay, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên sẵn có cũng như vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin nói rằng, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hoá giấc mơ xây dựng Trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và tiến tới của thế giới.

Hình thành Trung tâm tài chính không chỉ là xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện đại, mà còn là biểu hiện của quốc gia năng động, phát triển và hội nhập.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trung tâm tài chính TP.HCM phải có tác động tầm quốc gia, quốc tế ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trao đổi với lãnh đạo Thành phố tại Diễn đàn - Ảnh Lê Toàn

Vẫn còn một số quan điểm hoài nghi về tính khả thi khi hình thành Trung tâm tài chính tại Việt Nam, cụ thể tại TP.HCM. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu xét trên cục diện tổng thể, yếu tố lợi thế riêng có của Việt Nam và TP.HCM thì chúng ta hoàn toàn tự tin có thể làm được, không những thế mà còn cần làm ngay, bởi chỉ cần trì hoãn một chút có thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư, tuột mất nhiều mô hình kinh doanh hiệu quả.

Mặt khác các nhà đầu tư tài chính, doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm kiếm mảnh đất mới, cơ hội mới mở rộng đầu tư.

Đến năm 2020, châu Á sẽ chiếm tới 50% tầng lớp trung lưu. Có ý kiến cho rằng 2020 là năm bắt đầu của Kỷ nguyên châu Á, trong đó Việt Nam- một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, vượt nhiều quốc gia trong một bảng xếp hạng các nền kinh tế theo sức mua tương đương từ năm 2000, phải có một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển Trung tâm tài chính như tốc độ tăng trưởng GDP, thu hút FDI, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ và các Bộ ngành….

Một lợi thế khác, Việt Nam có múi giờ đặc biệt nếu nhìn trên bản đồ, múi giờ của Việt Nam không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để xây dựng Trung tâm tài chính tại TP.HCM, xoay chuyển dòng vốn khi giờ giao dịch tại các Trung tâm tài chính khác tạm ngừng. “Và, nếu lấy compa đặt tâm tại TP.HCM và quay trong bán kính 3 giờ bay thì TP.HCM là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Cùng với đó, sân bay Tân Sơn Nhất đã có chuyến bay kết nối với 72 thành phố, trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ,…”

Như vậy, để Trung tâm tài chính hình thành và hoạt động thành công thì vai trò của thể chế là hết sức quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trung tâm tài chính TP.HCM phải có tác động tầm quốc gia, quốc tế ảnh 2

Các lãnh đạo của Chính phủ, Bộ, ngành và lãnh đạo Thành phố chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn - Ảnh Lê Toàn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn đưa ra 5 yếu tố then chốt làm nên tính cạnh tranh của Trung tâm tài chính TP.HCM so với khu vực là: Môi trường cạnh tranh tốt; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Hệ thống cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn; Sự phát triển căn bản của ngành tài chính và uy tín tốt.

“Tôi đề nghị TP.HCM lên phương án mở rộng về khu Nam, nghiên cứu xem xét vị trí Trung tâm tài chính khu vực toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh và Cần Giờ (trên 10.000 hecta)”.

Với sự quyết tâm và ủng hộ của Chính phủ, các cơ quan Ban ngành cũng như các doanh nghiệp, tổ chức tài chính,…"chúng tôi tin rằng, trong tương lai không xa, những ý tưởng đã được thai ngén bấy lâu nay sẽ sớm trở thành hiện thực và hãy cùng nhau nỗ lực để biến giấc mơ của TP.HCM thành hiện thực" Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục